Người Việt có một tài sản chung vô giá là chữ quốc ngữ sử dụng hệ chữ cái la-tinh, tiền thân của tiếng Việt ngày nay và đang tự làm khổ mình bởi cách phát âm, tập đọc tiếng Việt chẳng giống ai. Nếu so sánh, sẽ thấy có rất nhiều dân tộc khác trên thế giới, như Anh, Pháp, Trung Hoa hay Ả Rập, Lào, Campuchia... không hề có chuyện tập đánh vần ngôn ngữ chữ viết.
Bạn thử hỏi người Trung Hoa hay người Ả Rập, họ có đánh vần khi đọc hay viết chữ không? Người Anh, người Mỹ, người Pháp, người Đức cũng không dạy trẻ đọc và viết chữ thông qua đánh vần. Họ chỉ đơn giản dạy trẻ đọc, viết từng từ và cả câu qua việc nhận biết từ với các chữ cái là các bộ phận cấu thành của chúng.
Những ai đã từng học một ngoại ngữ Nga, Anh, Pháp, Đức, Hoa hay Nhật thì đều thấy rõ điều đó. Đặc biệt, trong tiếng Anh, nhiều từ viết vậy nhưng không hề đọc như vậy. Hay trong tiếng Đức có rất nhiều từ viết sao phải đọc đúng vậy, nghĩa là phải phát âm đủ hết hoặc hầu hết các chữ cái tạo thành từ đó ("herbst -mùa thu).
Tuy nhiên, trẻ con của họ hay người nước ngoài học những ngôn ngữ nói trên thì không phải đánh vần từng từ như trẻ con của ta. Người của dân tộc này học tiếng dân tộc khác cũng vậy. Những ai đã từng nghiên cứu phương pháp Glenn Doman - (Phương pháp dạy đọc chữ sớm cho trẻ em) thì đều biết rõ rằng, trẻ em từ 10 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn "cửa sổ vàng". Nghĩa là chúng có thể đọc chữ được rất nhiều ngôn ngữ khác nhau một cách trực tiếp, từng từ rồi đến cả câu mà không qua học viết, dĩ nhiên cũng không phải đánh vần.
Bản thân tôi đã từng không tin ở phương pháp Glenn Domann, thậm chí còn cực lực phản đối. Nhưng tới khi tôi chứng kiến hai trường hợp, một trai, một gái, đều có thể đọc được hầu như tất cả các từ chữ viết của tiếng Việt, rồi ghép thành câu, ở thời điểm chúng mới 18 tháng tuổi.
Chúng đều là thần đồng ư? Không hẳn! Chúng có lẽ chỉ khác trẻ em Việt cùng lứa ở chỗ, ngay trong giai đoạn "cửa sổ vàng", đã được dạy đọc bằng phương pháp kết hợp nhìn chữ viết và nghe mẹ chúng phát âm từ đó nhiều lần. Mặc dù chúng chưa thể hiểu hết ý nghĩa của nhiều từ. Hai đứa nhóc đó hiện đang ở Mỹ, một sắp đầy 8 tuổi và một 5 tuổi rưỡi. Chúng vẫn được bố mẹ cho đọc sách thiếu nhi bằng tiếng Việt.
Tôi tự hỏi liệu chúng ta có nên gò ép trẻ từ lớp một phải học đánh vần hay chỉ cần dạy chúng phát âm và nhớ mặt chữ từng từ... rồi ghép thành câu? Về vấn đề cách phát âm, sao chúng ta không cho trẻ học phát âm các chữ cái tiếng Việt theo tiếng Anh, đọc là Ây, Bi, Xi... thay vì A, Bờ, Cờ? Như vậy có hay hơn hay không, vì đằng nào chúng cũng phải học thêm ngoại ngữ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.