Chữ quốc ngữ hiện nay với các ký tự A B C... được nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes đưa vào Việt Nam. Vì thế muốn hiểu rõ tiếng Việt ngày nay phải biết về ngôn ngữ hệ latinh.
Tôi xin nói thẳng vấn đề nhức nhối nhất hiện tại là xê, ka, quy. Mấu chốt là nhiều người đang không phân biệt được thế nào là "bảng chữ cái", "đánh vần" và "phát âm". Bảng chữ cái (alphabet) là A, B, C, D, Đ... như đã học bao năm qua thì ai cũng biết. Còn "đánh vần" (trong tiếng Anh là "spelling", tiếng Pháp và ngôn ngữ hệ latinh nói chung là "orthographe") là dùng các ký tự trong "bảng chữ cái" để ghép lại thành từ, thành âm và đọc lên.
Một ví dụ nhỏ ở các nước châu Âu, trường học thường có cuộc thi đánh vần dành cho học sinh, bằng cách giáo viên phát ra một từ và yêu cầu học sinh đọc lên những chữ cái cấu thành từ đó. Trong khi đó, "phát âm" (pronunciation) lại là một lĩnh vực lấy "âm" làm trọng. Theo đó, không có "bảng chữ cái" nữa, mà chỉ có bảng phiên âm.
Mọi người ai từng một lần cầm cuốn từ điển có thể để ý ngay đằng sau mỗi từ là cách phát âm, sau đó mới đến nghĩa của từ. Nếu chiếu theo bảng phiên âm, thì 95% các chữ C, K, Q khi đứng trước nguyên âm đều được đọc là "cờ" (trong bảng phiên âm được viết đại diện là ký tự /k/, đọc là /cờ/). 5% còn lại biến tấu chủ yếu theo chữ Q vì có thêm âm đệm U.
Các bạn tự thử lẩm nhẩm phát âm xem: "Cột cờ" thì dễ đọc rồi. "Kim" thì có phải đọc là cờ im kim không? "Kè" thì là cờ e ke huyền kè. Tiếng Việt thuần không có chữ Ka, Ko, Ku, thay vào đó là Ca, Có, Cụ... Riêng với Q, 95% chữ này nếu đứng đầu từ thì phải thêm U. Ở đây lại phát sinh vấn đề: khi QU đứng trước a, thì âm UA lại được đọc thành OA (u biến thành âm o). Còn đứng trước e/ê, i/y thì U vẫn là U (que kem/quê nhà, qui ước/quy tắc).
Tại sao? Tại vì ông de Rhodes ông ấy cho là thế! 5% Q còn lại đứng cuối từ thì vẫn phát âm là cờ (Iraq => phiên âm báo nhân dân I-rắc, Nasdaq đọc là nát-sờ-đác). Khi chưa có cái nhìn toàn cảnh, mọi người sẽ chỉ trích cái Xê, Ka, Quy kia.
Nếu các bạn đã hiểu "chữ cái", "đánh vần" và "phát âm" thì sẽ hiểu hai cách tiếp cận khác nhau của cùng một vấn đề mà thôi. Học tiếng Việt “kiểu cũ” là theo cách người Pháp khi vào Việt Nam dạy. Còn “kiểu mới” công nghệ bây giờ là tiếp cận theo hướng phát âm, đọc lên cho trẻ nghe và nhắc lại.
Cũng giống như trẻ một tuổi ở nhà ai cũng bắt nó “aaaa, kêu ba đi con”. Lúc đó thì nó đâu có biết chữ A viết thế nào, mà vẫn có thể nói aaaa đó thôi. Nói cách khác, đây cũng giống như giải toán lý hóa có 3, 4 cách mà vẫn cho ra kết quả đúng.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.