Sowoozoo - show kỷ niệm tám năm thành lập BTS hôm 13 và 14/6 - trở thành chương trình trực tuyến trả phí có lượng khán giả lớn nhất thế giới với 1,33 triệu người ở 195 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với giá vé 49.500 won (khoảng một triệu đồng) cho chất lượng HD và 59.500 won (1,2 triệu đồng) chất lượng 4K, doanh thu ước tính là 79 tỷ won. Ngoài ra, BTS bán thêm các sản phẩm trong chương trình như goods (những món đồ liên quan đến nghệ sĩ), lighstick ảo với tổng giá trị hơn 1 tỷ won.
Trước đó, tháng 10/2020, nhóm tổ chức concert trực tuyến Map Of The Soul ON:E, ghi nhận 993.000 lượt xem với doanh thu 50 tỷ won (hơn 1.000 tỷ đồng). Đêm nhạc Bang Bang Con: The Live vào năm tháng trước cũng cán mốc 756.600 người xem, thu về 26 triệu USD (khoảng 600 tỷ đồng).
Theo Business Insider, báo cáo tài chính năm 2020 từ công ty chủ quản của BTS - Hybe Corporation (trước đây là Big Hit Entertainment) - cho thấy doanh thu tăng 54%, lợi nhuận ròng tăng 92% so với năm 2019. Các sự kiện trực tiếp phải hủy do Covid-19, công ty tăng trưởng nhờ các buổi biểu diễn trực tuyến, thương mại điện tử trên WeVerse - ra mắt hồi tháng 6 năm ngoái. CEO Bang Si Hyuk cho biết hiện nền tảng này thu hơn 90 triệu USD mỗi quý.
Giống BTS, nhiều sao Hàn kiếm tiền tốt thời dịch nhờ chuyển hướng sang hoạt động trực tuyến. Hồi tháng 1, Blackpink thu về 11,7 tỷ won (khoảng 242 tỷ đồng) nhờ buổi hòa nhạc online The Show trên nền tảng Youtube Music. Chương trình thu hút 280.000 người, tương đương gần sáu đêm diễn tại sân vận động với sức chứa khoảng 50.000 chỗ, theo Newsis. Lợi nhuận của YG Entertainment - công ty quản lý của Blackpink - tăng từ 5,35 tỷ won (108 tỷ đồng) trong năm 2019 lên 10,74 tỷ won (218 tỷ đồng) năm 2020.
SM Entertainment hợp tác JYP Entertainment, Naver thành lập công ty Beyond Live Corporation (BLC) nhằm phát triển chuỗi concert trực tuyến Beyond Live. SuperM là nhóm nhạc đầu tiên của dự án, thu hút hơn 75.000 người đến từ 109 quốc gia trên thế giới. Với giá vé 26 USD (hơn 600 nghìn đồng) một người, tổng số tiền thu được lên tới hơn 2,4 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng). Trong khi đó, theo Billboard, đêm nhạc hồi tháng 2 của nhóm tại The Forum ở California có doanh thu chỉ hơn 1 triệu USD (hơn 22 tỷ đồng).
Twice: World In A Day của nhóm nữ nhà JYP thu hút 100.000 người xem trực tuyến khi phát sóng tháng 8/2020. Sau đó, hàng loạt nghệ sĩ như Super Junior, TVXQ, WayC, NCT 127, NCT Dream... cũng tổ chức đêm nhạc online.
Các hoạt động giao lưu người hâm mộ cũng được chuyển sang phương thức online. SM ra mắt Bubble - ứng dụng trả phí cho phép người hâm mộ gửi, nhận tin nhắn (chữ viết, ảnh, âm thanh) với thần tượng đầu năm ngoái. Với mức giá 3,49 USD (80 nghìn đồng) một tháng, ứng dụng thu hút hàng chục triệu lượt đăng ký. Các nghệ sĩ của Super Junior, SNSD, EXO, 2PM, DAY6, TWICE, Stray Kids, ITZY... đều tham gia.
Để thúc đẩy doanh số bán album, các công ty đẩy mạnh qua các kênh online, trang thương mại điện tử. Trong năm, BTS bán tổng cộng 9 triệu bản. Album đầu tay của Blackpink cũng lập kỷ lục các nhóm nữ khi tiêu thụ hơn 1,2 triệu bản. SM còn đưa ra ưu đãi fan nào mua nhiều album sẽ được tặng ít nhất một phút trò chuyện với thần tượng qua các ứng dụng như KakaoTalk, Line, Skype, Zoom... Trong khi đó album có chữ ký sẽ được chuyển đến tận nhà.
Nhóm NCT Dream phát hành album Hot Sauce hồi tháng 5, nhanh chóng bán được hai triệu bản. Minh Ngọc (22 tuổi, Hà Nội) chi hơn 35 triệu đồng mua 100 album của nhóm và trúng suất cuộc gọi với Ten - thành viên cô yêu thích nhất. Ngọc nói: "Thời dịch tôi không thể ra nước ngoài tham dự concert hay các buổi gặp gỡ thần tượng trực tiếp, vì vậy, tôi đầu tư theo hình thức này. Con số mua 100 album vẫn tiết kiệm hơn những chuyến đi nước ngoài, đặc biệt là có thể ủng hộ được thần tượng".
Tờ JoongAng Ilbo nhận định các sự kiện giao lưu trực tuyến không chỉ được vận hành trong thời dịch mà là xu hướng trong vài năm tới, khi nền kinh tế cũng như cuộc sống người dân phục hồi sau dịch.
Không chỉ âm nhạc, ngành sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc cũng thu lời trong thời dịch. Theo Statista, giá trị xuất khẩu năm 2020 của ngành này là 54,16 triệu USD (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng), tăng 43% so với năm 2019. Sự tăng trưởng này dựa vào việc bán bản quyền phát sóng trên Netflix, các nền tảng truyền hình OTT tại nhiều nước. Theo Thejakartapost, một cuộc khảo sát của Viện Khoa học Indonesia cho thấy lượng người xem phim truyền hình Hàn Quốc tăng đột biến ở Indonesia thời dịch.
Tuy nhiên, Covid-19 khiến các nhóm nhạc mới thành lập, nghệ sĩ ít tên tuổi gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2020 tới nay, có 11 nhóm nhạc thông báo tan rã như NeonPunch, Spectrum, Yellow Bee, 1THE9... MCND - nhóm nhạc mới của Top Media - tổ chức ra mắt trực tuyến nhưng không thu hút khán giả do chưa đủ nổi tiếng. Nhiều nhóm như Newkid, GWSN, D-Crunch và 3YE cũng giao lưu với người hâm mộ qua các ứng dụng nhưng không hiệu quả.
Nguyên nhân là công ty quản lý gặp khó khăn tài chính vì nhóm nhạc không thể quảng bá, biểu diễn trong thời dịch, theo Chosun. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hun Sik nói: "Những thực tập sinh, nghệ sĩ mới ra mắt không có sân khấu trong thời dịch, cũng rất khó tổ chức trực tuyến bởi mọi người không biết họ là ai. Dịch bệnh kéo dài dần giết chết họ".
Hiểu Nhân