Ở cách Trái Đất 3,5 triệu km, sao chổi P/2016 BA14 sẽ là sao chổi thứ 3 trong lịch sử tới gần Trái Đất đến vậy. 252P/LINEAR, sao chổi lớn hơn đã lộ diện tại điểm cách Trái Đất 5,2 triệu km và có thể quan sát bằng mắt thường vào ban đêm.
Dù ở gần Trái Đất hơn, khoảng cách từ P/2016 BA14 đến địa cầu của chúng ta vẫn lớn gấp 9 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Do đó, hai sao chổi không có khả năng va chạm với Trái Đất. Nhằm tránh gây lo ngại cho công chúng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhiều lần nhấn mạnh về mức độ an toàn của cặp sao chổi trong báo cáo, theo Science Alert. Với những người yêu thiên văn, đây là cơ hội tuyệt vời để chứng kiến một sự kiện hết sức thú vị.
"Sao chổi P/2016 BA14 không phải là một mối đe dọa, ngược lại, đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà khoa học nghiên cứu có thêm những bước tiến trong việc nghiên cứu sao chổi", Paul Chodas, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất thuộc NASA, cho biết.
Hai sao chổi này vô cùng đặc biệt và các nhà khoa học gọi chúng là sao chổi song sinh bởi hiếm khi các sao chổi lướt qua Trái Đất trong cùng một ngày.
"Khi sao chổi đến từ nơi xa xôi, nó mang tới sự hứng thú cho các nhà khoa học cũng như cơ hội để chúng ta tìm hiểu nhiều hơn về chúng", Michael Kelley, nhà thiên văn học tại Đại học Maryland, Mỹ, nói.
Sao chổi 252P/LINEAR lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2000 và được theo dõi kể từ đó. Nhưng sao chổi P/2016 BA14 thì khác, lần đầu tiên nó được phát hiện là vào tháng 1 năm nay khi đang lao thẳng về phía Trái Đất. Các nhà thiên văn học từng lo ngại P/2016 BA14 là tiểu hành tinh nguy hiểm.
Sau khi nghiên cứu, họ phát hiện ra P/2016 BA14 có đuôi. Nó không phải là khối rắn bao gồm đá hay kim loại như tiểu hành tinh mà nó là hỗn hợp bụi và băng đá kết chặt với nhau thành một khối, tức sao băng.
Quỹ đạo của hai sao chổi khác nhau, nhưng chúng có nhiều điểm tương đồng để các nhà thiên văn phỏng đoán giữa chúng có một liên kết. Theo một giả thuyết, sao chổi P/2016 BA14 là mảnh vỡ từ sao chổi lớn hơn. Điều thú vị nhất của sao chổi 252P/LINEAR là nó sáng hơn gấp 100 lần so kỳ vọng và ở khoảng cách đủ gần để có thể quan sát bằng mắt thường.
Dù sao chổi này không đến gần Trái Đất như sao chổi P/2016 BA14, nó vẫn lướt qua hành tinh chúng ta ở khoảng cách dự đoán khoảng 5,2 triệu km, trở thành sao chổi gần thứ 5 được ghi nhận trong lịch sử.
Sao chổi 252P/LINEAR tạo nên một vệt sáng xanh tuyệt đẹp do giải phóng carbon hai nguyên tử (C2), một loại khí phát sáng màu xanh lá cây do các phân tử bị ion hóa.
Để quan sát sao chổi 252P/LINEAR, người theo dõi phải đứng ở Nam bán cầu khi nó lướt qua Trái Đất. Nếu sao chổi 252P/LINEAR tiếp tục phát sáng vài tuần sau đó, người dân ở cả hai bán cầu sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nó. Ngoài ra, một trận mưa sao băng lớn có khả năng diễn ra vào ngày 28/3 do bụi trong quỹ đạo của sao chổi tạo nên.
Ngô Minh