"Nguyên sơ" trong thuật ngữ thiên văn chỉ các vật thể chưa bao giờ tiếp cận đủ gần một ngôi sao để bị biến đổi trước sức nóng khắc nghiệt của nó. 2I/Borisov là ví dụ hiếm hoi trong số đó và đặc biệt hơn, nó là sao chổi liên sao đầu tiên và duy nhất từng được quan sát thấy trong hệ Mặt Trời của chúng ta.
2I/Borisov lần đầu được phát hiện vào năm 2019 bởi nhà vật lý thiên văn người Ukraine Gennady Borisov tại Đài quan sát MARGO ở Crimea, nhưng đến nay thông tin mô tả về nó vẫn còn rất hạn chế.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà thiên văn học quốc tế dẫn đầu bởi Stefano Bagnulo từ Đài quan sát và Trạm thiên văn Armagh ở Bắc Ireland đã sử dụng thiết bị FORS2 trên Kính viễn vọng Rất Lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) để đo ánh sáng phân cực bị tán xạ bởi các hạt bụi sao chổi để rút ra các đặc điểm vật lý của nó.
Khi một sao chổi đến gần ngôi sao, nhiệt từ ngôi sao đó sẽ làm bay hơi các hạt băng của nó và giải phóng bụi. Các hạt bụi nhẹ hơn tạo thành đuôi của sao chổi, trong khi những hạt bụi nặng rơi trở lại bề mặt ở trạng thái "hôn mê", tạo nên một lớp vỏ bao quanh hạt nhân của sao chổi. Do đó, việc quan sát ánh sáng phân cực bị tán xạ bởi bụi sao chổi có thể giúp các nhà khoa học biết được tình trạng nguyên sơ của thiên thể.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện độ phân cực của 2I/Borisov cao hơn hầu hết các sao chổi điển hình trong hệ Mặt Trời của chúng ta. Vật thể duy nhất có tính chất phân cực tương tự là sao chổi C/1995 O1 (Hale-Bopp). Tuy nhiên, khác với Hale-Bopp, ánh sáng phân cực của 2I/Borisov rất đồng nhất, cho thấy nó không bị ảnh hưởng nhiều bởi bức xạ và các hạt mang điện.
"Do trạng thái rất đồng nhất, chúng tôi cho rằng sao chổi 2I/Borisov không có lớp vỏ. Nó thực sự là sao chổi nguyên sơ nhất từng được biết đến trong hệ Mặt Trời", đồng tác giả của nghiên cứu Lioudmila Kolokolova từ Khoa Thiên văn của Đại học Maryland giải thích.
Phân tích lớp bụi của 2I/Borisov cho thấy nó gồm những "viên sỏi" nhỏ với thành phần giàu carbon monoxide và nước, có lẽ được hình thành ở vùng bên trong của hệ sao, trước khi trộn lẫn với nhiều loại đá khác để tạo thành sao chổi. Về cơ bản, 2I/Borisov là kết quả của sự kết tụ vật chất từ các phần khác nhau trong hệ sao của nó.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Nature Communications hôm 30/3.
Đoàn Dương (Theo AFP/MIT Technology Review)