Con phố Sisowath dọc dòng Mekong ở Phnom Penh đại diện tương đối đầy đủ cho câu chuyện phát triển của Campuchia. Đó là khu phố du lịch đông đúc và hào nhoáng, tương phản với khu nhà ổ chuột đang bị ăn dần bởi biệt thự ở bờ bên kia. Đầu phố, ngay gần hoàng gia, là toà nhà cao nhất Campuchia đang được nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Các cô gái dưới ánh đèn mờ chào mời tôi bằng tiếng Hoa. Cuối phố, tôi bắt gặp một hộp đêm mang tên một danh nhân Trung Quốc.
Đến một thủ đô ven sông khác, Vientiane của Lào, không khó để nhận ra những điểm tương đồng. Đã nhiều năm liền, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở cả Campuchia và Lào - và hơn hết, các nhà đầu tư Bắc Kinh được xem là người có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề liên quan ở khu vực.
Cách Phnom Penh khoảng 100km về xuôi, người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long hướng về Trung Quốc với đề nghị cấp thiết hơn: xả nước chống hạn. Năm nay, miền đất trù phú nhất nước ta đang trải qua cơn hạn trăm năm mới có một lần. Không chỉ đồng khô lúa chết, mà ngay cả người dân ở đây cũng không có nước uống.
Với hàng loạt đập nước ở Vân Nam, không khó hiểu vì sao Trung Quốc được coi là mối lo lớn nhất để bảo toàn nguồn nước Mekong. Đó tất nhiên là mối nguy dài hạn không chỉ cho dòng sông, mà còn cho an ninh của các nước hạ lưu, trong đó có Việt Nam.
Nhưng Trung Quốc có phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với nguồn nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long?
Nghiên cứu của Uỷ hội Sông Mekong cho biết, lượng nước đóng góp từ Trung Quốc chỉ là 16%, trong khi từ Lào chiếm đến 53%. Đặc biệt, khu vực cung cấp nhiều nước cho sông Mekong nhất là vùng Nam Lào (23%), có phần đóng góp rất quan trọng từ các sông nhánh chảy từ Tây Nguyên.
Nói một cách ngắn gọn, nếu chúng ta đảm bảo được nguồn nước Mekong thông suốt từ hai khu vực trên, thì mối lo thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ được giảm thiểu đi đáng kể.
Tây Nguyên và nước Lào, hai câu chuyện tưởng như dễ giải quyết hơn so với bài toán Trung Quốc. Nhưng thực tế có lẽ sẽ khiến nhiều người lo ngại.
Lào và Campuchia quyết tâm xây dựng đến 11 đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong, vốn được cho là sẽ làm giảm đến gần một nửa lượng nước chảy về Việt Nam, theo Uỷ ban sông Mê Kong Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể kêu gọi chính quyền các quốc gia này thận trọng khi ngăn đập. Và các nỗ lực đó chưa có kết quả. Nhưng với Tây Nguyên thì khác.
Tây Nguyên đang trong một cơn hạn hán lịch sử. Hiện tượng El Nino được cho là nguyên nhân chính, nhưng con người không thể rũ bỏ hết trách nhiệm cho tự nhiên. Trên toàn vùng cao nguyên đất đỏ, có đến 485 nhà máy thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ được quy hoạch xây dựng. Để thực hiện dự án, gần 100 nghìn ha rừng sẽ bị “chuyển đổi”, hay nói thẳng ra là tuyệt diệt.
7 năm qua, Tây Nguyên mất gần 360 nghìn ha rừng. Rừng không còn, không có gì giữ nổi nước. Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH), mực nước ngầm ở Tây Nguyên mỗi năm tụt xuống từ 3 đến 5m, trữ lượng nước đã giảm từ 30 đến 35% trong 5 năm. Mà nước ở Tây Nguyên, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, cũng là nước cho Cửu Long. Nước mất, rừng mất để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Nhưng đến giờ, quả ngọt kinh tế còn chưa hưởng, người dân đã phải nếm quả đắng về môi sinh. Nhiều năm qua, các chuyên gia đã kêu gọi ngừng xây thủy điện ở Tây Nguyên. Đó là việc, theo tôi, chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn và quyết định của chúng ta.
Nhìn về Trung Quốc khi đối mặt với các vấn đề hôm nay có thể là thói quen của nhiều người, kể cả người Mỹ. Bởi họ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức mạnh chi phối nhiều khía cạnh địa chính trị trong khu vực. Nhìn về Trung Quốc cũng rất dễ dàng tìm thấy trách nhiệm của nước này trong các vấn đề mà ta đang đối mặt. Dòng sông Mekong có thể đã có thêm nước khi Trung Quốc xả đập, đó là sự thực.
Nhưng nếu chỉ nhìn về Trung Quốc với ánh mắt ám ảnh mà quên đi rằng trách nhiệm vẫn phần lớn nằm trong tay chúng ta có thể tạo ra những sai lầm không thể cứu chữa.
Đầu tháng 3 vừa rồi, xen lẫn những hung tin về hạn hán, có một tín hiệu vui nhỏ nhoi từ Tràm Chim, Đồng Tháp: một chú sếu đầu đỏ quay về chốn cũ sau 18 năm. Đây là điều rất hiếm hoi, bởi những năm qua đàn sếu chuyển dần từ Việt Nam sang Campuchia do môi trường bị tàn phá. Ít nhất, nó mang lại cho chúng ta hy vọng rằng nỗ lực ở hiện tại có thể sửa chữa phần nào sai lầm trong quá khứ.
Không có sự bắt đầu nào là quá muộn màng.
Nguyễn Khắc Giang