Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân gửi đề xuất liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng để có cơ hội nhận vốn đầu tư. Trong đợt tài trợ thứ hai này, bắt đầu từ nay đến hết 30/8, mức hỗ trợ cho mỗi dự án dao động 100.000-800.000 USD.
- Đề nghị ông cho biết rõ hơn về điều kiện nhận tài trợ?
- Doanh nghiệp sẽ được VBCF tài trợ về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, từ 100.000 đến 800.000 USD. Tuy nhiên, phần đầu tư của quỹ ít hơn 49%, còn phần đầu tư của khối tư nhân nhiều hơn 51%. Quỹ cũng gửi nhóm chuyên gia hướng dẫn trực tiếp cho những dự án có thời gian thực hiện lâu.
Tôi lấy ví dụ: mô hình kinh doanh chè của doanh nghiệp Hùng Cường được rót 200.000 USD. Mục tiêu của công ty là tăng chuỗi cung cứng chè và tạo mối liên hệ lâu dài với nông dân qua hỗ trợ kỹ thuật, phương tiện vận chuyển, hợp đồng bao tiêu cho nông dân có thu nhập thấp. Kết quả, tăng thu nhập khoảng 60% cho ít nhất 800 nông dân và doanh nghiệp này cũng có mức lợi nhuận tăng 50%.
Ông Javier Ayala, Giám đốc điều hành quỹ thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VBCF). Ảnh: Phương Nga |
- Trong đợt kêu gọi lần thứ nhất (từ 28/1), có hơn 150 dự án được gửi đến, nhưng chỉ có 14 doanh nghiệp lọt vào vòng trong. Đâu là nguyên nhân chính khiến nhiều đơn vị bị loại ngay vòng đầu?
- Phần lớn các dự án gửi đến không mang tính đổi mới sáng tạo, quá truyền thống, cũ kỹ. Nó cũng không có tác động nhiều về mặt xã hội mà quỹ VBCF yêu cầu. Quy mô nhiều dự án không khả thi.
Theo tôi, tỷ lệ 14/150 rất là thông thường đối với các quỹ rót vốn tài trợ không hoàn lại cho các dự án. Ở trên thế giới, nhiều quỹ nhận hàng nghìn dự án nhưng họ cũng chỉ chọn được 15-20 dự án tiềm năng nhất.
InterSwitch, một doanh nghiệp ở Nigeria đã thành công khi nhận vốn từ quỹ tương tự như VBCF. Do hàng triệu người Nigeria gặp khó trong tiếp cận với ngân hàng và giao dịch thanh toán, nên InterSwitch giới thiệu một loại thẻ trả trước có thể nạp tiền qua điện thoại. Đến năm 2011, công ty có hơn 15.300 khách hàng là người thu nhập thấp và 26 triệu thẻ trả trước đã được bán.
- Quỹ VBCF luôn nhấn mạnh đến ý tưởng kinh doanh sáng tạo trong từng dự án. Vậy căn cứ nào để nhận biết đó là dự án mang tính đổi mới?
- Hội đồng duyệt dự án sẽ dựa vào một trong những tiêu chí như: đó có phải là sản phẩm, dịch vụ, hệ thống hay cách thức vận hành mới mẻ của doanh nghiệp. Ý tưởng sáng tạo có thể không mới ở địa phương này, nhưng lại thích hợp với ngữ cảnh ở nơi khác. Nếu mô hình này có thể được nhân rộng thì tính khả thi của dự án có thể chấp nhận được.
Ý tưởng sáng tạo phải tập trung vào 3 lĩnh vực: nông nghiệp, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản.
- Ông có thể chia sẻ một dự án sáng tạo do doanh nghiệp Việt thực hiện mà quỹ tâm đắc nhất?
- Tôi không thể tiết lộ chi tiết về dự án để đảm bảo tính bí mật. Tuy nhiên, tôi có thể nói đó là một dự án thuộc về lĩnh vực nông nghiệp. Họ đã sản xuất và chế biến một sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam cũng như ở châu Á và thứ 3 trên thế giới.
Quỹ VBCF sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp phải chứng tỏ được kế hoạch kinh doanh có tác động nhiều đến cộng đồng, có khả năng thu được lợi nhuận và có một bộ phận nhân lực đáp ứng được nhu cầu của dự án.
Mai Phương