Từ 6h30, trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) bố trí hai lối đi từ cổng chính, đón hơn 300 học sinh khối 9. Đa số các em ngụ tại một số phường phía Đông thành phố, giáp ranh tỉnh Đồng Nai. Sau khi được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, quét mã QR khai báo y tế, học sinh được hướng dẫn vào thẳng lớp.
Tính từ thời điểm dừng học trực tiếp vào cuối năm học 2020-2021, các em không đến trường liên tục 7 tháng.
Trần Nguyễn Gia Hân háo hức cả đêm qua. Chưa bao giờ nữ sinh xa trường lâu như vậy. Ba mẹ em dặn đến trường phải đeo khẩu trang nghiêm túc, chú ý nghe lời thầy cô để đi học an toàn.
"Năm nay, em có nguyện vọng vào trường THPT Trưng Vương nên phải nỗ lực rất nhiều. Việc đi học lại sẽ tạo điều kiện tốt hơn để đạt mục tiêu này", Hân nói.
Tương tự, Lê Duy Khang cũng rất mong ngày đi học trực tiếp. Trở lại trường sáng nay, Khang cảm thấy yên tâm khi nhà trường siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Trường Lương Định Của có tám lớp 9, mỗi lớp được tách đôi và xếp ở hai phòng học sát nhau. Tất cả lớp học được bố trí ở dãy chính để trường tiện quản lý.
Hiệu phó Vũ Thị Minh Hiếu cho biết, sáng nay các em chưa học chính khoá, chủ yếu được nhắc nhở phương án phòng chống dịch bệnh, phổ biến kế hoạch học tập.
Trường sẽ dạy 5 buổi trong tuần, mỗi buổi bốn tiết, từ 7h30 đến 11h05. Giáo viên bố trí thời gian, giáo án để có thể dạy cùng lúc hai lớp nhỏ sau khi chia tách. Buổi chiều, học sinh học 2-3 tiết online để đảm bảo thời lượng.
"Khi lớp 9 học trực tiếp, thời khoá biểu các khối còn lại vẫn diễn ra bình thường theo hình thức online. Do có nhiều giáo viên vừa dạy lớp 9, vừa dạy online cho khối khác nên nhà trường bố trí một số phòng thao giảng để làm việc", cô Hiếu cho biết.
Ở trung tâm thành phố, trường THCS Nguyễn Du (quận 1) mở hai cổng, bố trí giáo viên đón hơn 200 học sinh khối 9. Học sinh được rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt tự động trước khi vào lớp học. Trước đó, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và diễn tập phương án khi có ca nghi nhiễm.
Ở cùng quận 1, trường THPT Trưng Vương cũng phân luồng từ cổng chính đón hơn 600 học sinh khối 12. Lê Đình Nguyên (lớp 12A5) vui vẻ trong ngày đầu đi học nhưng cũng không giấu vẻ hồi hộp khi học lại trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Năm nay, Nguyên chọn ôn thi tổ hợp A1 (Toán, Vật lý, Ngoại ngữ) với nguyện vọng vào ngành Công nghệ Thông tin Đại học FPT hoặc RMIT. "Em sẽ cố gắng tuân thủ tốt các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của thầy cô để bảo vệ mình và bạn bè. Nếu có sự cố xảy ra cũng không quá sợ hãi mà bình tĩnh làm theo hướng dẫn", Nguyên cho biết.
Cùng lớp Nguyên, Cao Trọng Phước chia sẻ, học trực tiếp chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều lần so với học trực tuyến, nhất là với khối 12 trước kỳ thi tốt nghiệp. "Năm cuối cấp, được đi học trực tiếp cũng là cơ hội để gắn kết bạn bè, có những kỷ niệm đẹp cùng nhau trước khi ra trường", Phước cho biết.
Hiệu trưởng Trương Thị Bích Thuỷ cho biết, toàn trường có 644 học sinh khối 12 với gần 50% phụ huynh đồng ý cho con học trực tiếp. Tuy nhiên, trong buổi tập trung cuối tuần trước, tỷ lệ đi học trở lại đạt 95%, nhiều lớp gần 100%.
Trường không chia đôi lớp vì e ngại gây quá tải cho giáo viên; thay vào đó, tận dụng các phòng chức năng với diện tích lớn để bố trí chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách. Giám thị sẽ được tăng cường để nhắc nhở học sinh vào giờ chơi, tránh tụ tập đông người.
Trong hai tuần thí điểm 13-25/12, THPT Trưng Vương dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Học sinh học tại trường bốn buổi sáng trong tuần, mỗi buổi bốn tiết chương trình chính khoá. Buổi sáng còn lại và các buổi chiều, các em sẽ học online. Tính chung, học sinh khối 12 sẽ học 16-17 tiết trực tiếp và 14-16 tiết online.
Theo yêu cầu của UBND TP HCM, phương án phòng chống dịch tại trường học được siết chặt với sự phối hợp giữa nhà trường và y tế địa phương. Mỗi trường phải có tổ an toàn Covid-19 với phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Tại trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), ban giám hiệu xây dựng kế hoạch phòng chống Covid-19 theo kịch bản chi tiết. Hiệu trưởng Trần Công Tuấn cho biết, 8 vị trí được xác định là nơi tập trung đông người, có nguy cơ lây nhiễm gồm: cổng vào, khu vực để xe, canteen, nhà vệ sinh, sân trường, phòng học, phòng họp, nhà xe nhân viên. Những nơi này sẽ có thành viên tổ an toàn Covid-19 trực thường xuyên để nhắc nhở tuân thủ nguyên tắc 5K.
Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, khoảng 80% trong tổng số hơn 150.000 phụ huynh lớp 9, lớp 12 đồng ý cho con trở lại trường trong các cuộc thăm dò trước đó. Học sinh chưa đi học, ngoài lý do phụ huynh chưa đồng ý còn có nguyên nhân: thuộc diện F0, gia đình đang cách ly hoặc chưa kịp trở lại thành phố.
Nhiều trường trung học chưa mở cửa sáng nay. Thành phố có 491 trường THCS, THPT, trong đó hơn 400 trường mở cửa. Trường chưa mở cửa sáng nay chủ yếu rơi vào khối trường tư thục do học sinh chưa lên kịp thành phố hoặc một số trường chưa kịp chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất.
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) cho biết, 98% trong số 320 phụ huynh lớp 12 đồng ý cho con học nội trú trở lại. Tuy nhiên, trường quyết định lùi ngày học trực tiếp sang thứ tư - tức hai ngày sau kế hoạch chung của TP HCM.
"Chúng tôi muốn theo dõi các trường công mở cửa trước để rút kinh nghiệm, có phương án đón học sinh tốt hơn. Ngoài ra, các em ở tỉnh nhiều nên lùi thời gian lại ít ngày cũng giúp đi lại thuận tiện hơn", thầy Độ giải thích.
Từ 3-9/12, 8 quận huyện tại TP HCM ở cấp độ 1(vùng xanh) là: 6, 7, 8, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú; 13 địa phương ở cấp độ 2 (vùng vàng), gồm: 1, 3, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Cần Giờ, Gò Vấp, Nhà Bè, Phú Nhuận, Thủ Đức. Quận 4 nguy cơ dịch cấp độ 3 (vùng cam).
Trường THPT hoạt động căn cứ theo mức độ dịch của Thành phố, các trường THCS sẽ theo mức độ dịch của TP Thủ Đức hoặc các quận, huyện.
Ảnh: Trường học TP HCM siết quy định an toàn ngày mở cửa