Nhiều tổ chức y tế hàng thập kỷ nay khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, năm 2022, chưa đến 6% người Mỹ đủ điều kiện sàng lọc được tầm soát. So với các loại ung thư phổ biến khác, tỷ lệ sàng lọc ung thư phổi thấp đáng kể. Chẳng hạn, tỷ lệ sàng lọc ung thư đại tràng tại Mỹ năm 2021 là 72%, ung thư vú là 76%.
Tại sao tỷ lệ sàng lọc ung thư phổi thấp?
Bác sĩ Nina Thomas, Đại học Colorado, Mỹ, chuyên khoa phổi, cho biết nhiều năm làm trong lĩnh vực sàng lọc và chẩn đoán ung thư phổi, bà nhận thấy nhiều rào cản phức tạp cản trở việc sàng lọc ung thư này.
Ung thư phổi đứng đầu danh sách nguyên nhân gây tử vong do ung thư toàn cầu. Nếu phát hiện kịp thời, cơ hội chiến thắng bệnh tật sẽ tăng lên đáng kể. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn đầu cao gần gấp 7 lần khi bệnh đã lan rộng. Trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2019, tỷ lệ này đã cải thiện thêm 22% nhờ việc chẩn đoán sớm.
Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ở giai đoạn đầu không hề có triệu chứng. Bệnh thường không được phát hiện cho đến khi đã tiến triển giai đoạn nặng, khó điều trị hơn. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư phổi một cách hiệu quả.
Hội đồng Dự phòng Y tế Mỹ khuyến nghị sàng lọc cho nhóm người từ 50 đến 80 tuổi, những người đang hoặc đã từng hút thuốc và đã cai trong vòng 15 năm qua, cũng như những người có lịch sử hút thuốc từ 20 gói trở lên. "Gói" được tính bằng cách nhân số năm hút thuốc với số gói thuốc lá trung bình hút mỗi ngày. Chẳng hạn, một người hút nửa gói mỗi ngày trong suốt 40 năm sẽ có tổng cộng 20 gói.
Chụp cắt lớp vi tính liều thấp cho ung thư phổi
Một trở ngại lớn trong việc sàng lọc ung thư phổi là sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng. Nhiều người không nhận ra rằng họ có thể được sàng lọc, hoặc có quan niệm sai lệch về quy trình này.
Sàng lọc ung thư phổi bằng cách dùng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp, kiểm tra hàng năm. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể từ bên trong. Sàng lọc 250 người có thể ngăn chặn một trường hợp tử vong do ung thư phổi, so với 645 người cần sàng lọc bằng cách chụp X-quang vú để ngăn chặn một trường hợp tử vong do ung thư vú.
Nhiều người lo ngại về phơi nhiễm bức xạ, nhưng lượng bức xạ từ CT liều thấp chỉ khoảng 1,4 millisieverts, thấp hơn nhiều so với lượng bức xạ nền hàng năm mà một người bình thường tiếp xúc. Quá trình chụp CT nhanh chóng, không đau đớn, không cần kim tiêm hay thuốc men.
Trong quá trình chụp, bệnh nhân chỉ cần nằm yên trên bàn trượt và giơ tay lên. Kỹ thuật viên có thể yêu cầu giữ hơi thở trong vài giây. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ đánh giá kết quả và tóm tắt trong báo cáo gửi đến bác sĩ điều trị. Nếu không có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân sẽ tái chụp sau một năm. Nếu có nốt phổi, không nhất thiết là ung thư, có thể cần thêm kiểm tra để xác định chính xác.
Chênh lệch trong sàng lọc ung thư phổi
Các chiến dịch y tế và giáo dục đang cố gắng mở rộng sự hiểu biết về lợi ích của việc sàng lọc ung thư phổi. Dù vậy, những nỗ lực này chưa thực sự đạt hiệu quả trong các cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Nam giới người Mỹ gốc Phi đối mặt tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư phổi cao nhất, một phần do chiến lược tiếp thị thuốc lá nhắm đích vào cộng đồng này. Điều này làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng đã tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị ung thư.
Cộng đồng nông thôn, đặc biệt ở khu vực Appalachian và miền đông nam Mỹ, người dân phải vượt qua những trở ngại về địa lý để tiếp cận các trung tâm sàng lọc chất lượng. Chi phí sàng lọc, bất đồng trong chính sách bảo hiểm và các chi phí phát sinh khác như đi lại, nghỉ việc, chăm sóc trẻ em cũng là những rào cản không nhỏ.
Những cộng đồng này không chỉ đối mặt với nguy cơ cao mắc ung thư phổi mà còn thiếu cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và chuyên môn, làm tăng thêm khó khăn trong việc sàng lọc và điều trị bệnh.
Xóa bỏ định kiến về hút thuốc
Mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư phổi tạo ra định kiến, khiến nhiều người ngần ngại tham gia sàng lọc. Nhiều người đủ điều kiện sàng lọc ung thư phổi lo ngại bị đổ lỗi cho việc sử dụng thuốc lá trước đây hoặc hiện tại của họ. Định kiến này không chỉ gây áp lực lên người hút thuốc mà còn làm họ e dè khi nói về sàng lọc với y bác sĩ hoặc cộng đồng.
Các nhà lâm sàng có thể làm việc cùng bệnh nhân và cộng đồng để xóa bỏ định kiến, khuyến khích việc sàng lọc như một hành động tích cực, không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh mà còn hỗ trợ những người muốn cai thuốc.
Sự sợ hãi chẩn đoán ung thư phổi cũng cản trở việc sàng lọc. Nhiều người cho rằng chẩn đoán ung thư phổi là "bản án tử hình". Tuy nhiên, với sự tiến bộ trong điều trị và tỷ lệ sống sót ngày càng cao, chẩn đoán sớm mở ra hy vọng chữa khỏi. Giáo dục bệnh nhân về các bước điều trị tiếp theo có thể giảm bớt lo lắng.
Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm giải pháp để giảm bớt các rào cản, giúp việc sàng lọc ung thư phổi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn cho những người cần nó nhất.
Thanh Thúy (Theo Yahoo, The Conversation)