Lá chuối là một giải pháp bao bì thân thiện môi trường trong lĩnh vực thực phẩm, tạo thành xu hướng ở nhiều nước gồm Việt Nam trong năm 2019. Đây là một trong những sáng kiến giúp giảm nhựa trong bối cảnh Việt Nam thải 30 tỷ túi nilon mỗi năm, theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Xu hướng dùng lá chuối bọc rau khởi nguồn từ siêu thị Rimping ở Chiangmai, Thái Lan, sau bài đăng thu hút 16.000 lượt chia sẻ của fanpage bất động sản Perfect Homes Chiangmai. Hiệu ứng các bài báo quốc tế gồm Forbes sau đó đã cộng hưởng lượt chia sẻ tới 130.000, theo thông tin từ siêu thị này.
Vào thời điểm ấy, các siêu thị và cửa hàng bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam đã nhanh chóng cập nhật xu hướng trên. Tuy nhiên, mới đây, theo ghi nhận tại các siêu thị Lotte, Co.op, Winmart, GO!, hầu như không còn hiện tượng dùng lá chuối gói rau như 5 năm về trước.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) là một đơn vị đi đầu trong xu hướng này, thậm chí triển khai trên diện rộng từ tháng 4/2019 sau thời gian thí điểm, nhưng giờ hình ảnh các bó rau bọc lá chuối không còn trong các chuỗi siêu thị của đơn vị này.
Tại Co.op Food Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội), các loại cải, mồng tơi, xà lách... được đóng trong túi nilon. Các loại rau này chủ yếu được cung ứng từ HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú và Công ty TNHH SadoEco.
Trên quầy rau của Co.opXtra SC VivoCity (Quận 7, TP HCM), súp lơ xanh, ngô, mướp cùng các loại rau ăn lá như muống, mồng tơi, cải loại thì bọc màng co, loại bỏ túi bóng.
Chanh, dưa chuột tại Winmart Vũ Trọng Phụng (Hà Nội) được đóng vào các khay nhựa bọc kín với màng co, ớt chia định lượng nhỏ bỏ vào các túi zipper. Đây cũng là cách đóng gói ở cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cùng phố trên.
Như đa số siêu thị khác, Lotte đã ngưng dùng bao bì lá chuối trên toàn chuỗi sau một năm triển khai. Một khách hàng ở Vũ Trọng Phụng (Hà Nội) thấy tiếc khi các siêu thị xung quanh ngưng giải pháp bao bì thân thiện môi trường như lá chuối. Tuy nhiên, chị thừa nhận việc dùng túi nilon tiện hơn trong bảo quản, lưu trữ rau trong tủ lạnh.
GO! Thăng Long (tên cũ là Big C, tại Hà Nội) là siêu thị hiếm hoi còn sử dụng lá chuối gói rau tại Hà Nội. Theo ghi nhận, một lượng rau gia vị gồm diếp cá, tía tô, ngổ... bọc trong lá chuối. Một số rau cỡ lớn như cần tây, nha đam không bọc, các loại còn lại được chia vào túi nilon theo định lượng chừng 500g.
Thực tế, khi ứng dụng lá chuối bọc thực phẩm, các nhà bán lẻ gặp nhiều vấn đề về nguồn cung lẫn vận hành. Về nguồn cung, đại diện Lotte cho biết các nhà cung cấp không hào hứng nhận đơn do việc cột lá chuối từng bó rau làm giảm năng suất. Trong khi đó, vận hành siêu thị cũng gặp nhiều vướng mắc do lá chuối dễ hư, xộc xệch, việc đặt chồng các bó rau bọc lá chuối khi chuyển hàng cũng khiến rau dễ dập, ảnh hưởng đến trưng bày và chất lượng thực phẩm.
"Với các bó rau bọc lá chuối, người dùng cầm lên bỏ xuống vài lần là hư, giập", đại diện Lotte nói với VnExpress. Giá bán ra không đổi so với bao nilon, nhưng chi phí vận hành của siêu thị khi ứng dụng bao bì lá chuối bị ảnh hưởng do lượng rau hư, phải bỏ đi nhiều.
Một lý do nữa khiến các nhà cung ứng rau không mặn mà với "trend" gói lá chuối là họ phải nhập lá chuối theo ngày thay vì vài tháng một lần như túi nilon, theo Huyên Hoàng – nhà sáng lập startup cung cấp nông sản an toàn Mây’s Farm. Bên cạnh đó, bà Huyên cho biết lá chuối không phù hợp để bảo quản rau trong điều kiện phòng hay tủ mát. Rau bọc lá chuối sẽ nhanh héo hơn so với các loại bao bì khác.
Đại diện Central Retail cho biết họ cũng gặp các thách thức trên khi triển khai giải pháp dùng lá chuối gói rau. Nhìn nhận câu chuyện ở khía cạnh cổ vũ cho các hoạt động bảo vệ môi trường và giảm túi nilon, doanh nghiệp bán lẻ từ Thái Lan quyết định tiếp tục cùng các nhà cung ứng duy trì chương trình này qua các năm, dự kiến nhân rộng ra các tỉnh thành có chuỗi siêu thị GO! và Tops Market hoạt động.
Thực tế, siêu thị khởi nguồn xu hướng bọc rau bằng lá chuối từ Thái Lan - Rimping hiện chủ yếu dùng túi nilon để bọc rau, theo hình ảnh trên fanpage chính thức của họ vào cuối năm 2024.
Dù bao bì lá chuối không hiệu quả với tất cả siêu thị, họ vẫn đang nỗ lực giảm nhựa, bảo vệ môi trường bằng nhiều giải pháp khác nhau. Saigon Co.op sử dụng nilon tự hủy sinh học từ năm 2011. Tương tự, Central Retail đã làm việc với gần 30 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả... để thay thế các bao bì đóng gói có thành phần nhựa bằng túi nilon có khả năng phân hủy sinh học. Bao bì giấy cũng là một lựa chọn thay thế cho nhựa khó phân hủy, đang được các nhà cung ứng cà phê và gạo hữu cơ cho Central Retail ủng hộ.
Lotte cũng ứng dụng túi nilon sinh học và đang nghiên cứu vật liệu giấy trong đóng gói rau, củ. Bên cạnh đó, chuỗi siêu thị này sẽ áp dụng các chương trình ưu đãi, đặc quyền dành cho khách hàng dùng túi tái sử dụng bất kỳ từ tháng tới.
Rác nhựa và rác thực phẩm là hai vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Aeon Việt Nam. Ông Furusawa Yasuyuki – Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam – nói công ty kêu gọi cả nhân viên lẫn khách hàng giảm túi nilon sử dụng một lần, hướng họ sử dụng túi thân thiện môi trường.
"Chúng tôi có chính sách giảm phí thuê túi cho khách hàng khi thanh toán. Bên cạnh đó, Aeon sản xuất túi thân thiện môi trường với thiết kế bắt mắt để khách hàng thấy thích sử dụng hoặc tặng bạn bè, người thân", ông Furusawa nói. Ngoài ra, khay đựng thực phẩm cũng đang được chuỗi này nỗ lực thay thế bằng vật liệu thân thiện môi trường. Bên cạnh việc giảm nhựa, họ cũng hướng tới mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm, gồm lên kế hoạch sản xuất khớp với nhu cầu dự tính, đồng thời sử dụng máy tái chế để xử lý rác thực phẩm.
Việt Nam sẽ giảm sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy kích cỡ nhỏ từ 1/1/2026. Chính phủ giao UBND các địa phương quy định, quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau 2030, Chính phủ đặt mục tiêu dừng hẳn việc sản xuất, nhập khẩu đồ nhựa dùng một lần, các loại túi nilon khó phân hủy và hộp xốp đựng thực phẩm.
Thủy Trương