"Chúng ta phải tăng cường năng lực của kiến trúc an ninh khu vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong bài phát biểu chủ chốt tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2015 tổ chức cuối tuần qua ở Singapore, trước khi công bố Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á. Sáng kiến này được quốc hội Mỹ đưa ra, với ngân sách 425 triệu USD
Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á không xuất phát từ Lầu Năm Góc. Nó hình thành từ ngân sách Ủy ban Quân vụ Thượng viện (SASC) và được Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch SASC theo dõi chặt chẽ.
David Shear, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, cho biết Lầu Năm Góc muốn dùng Đối thoại Shangri-La để thể hiện sự ủng hộ với ông McCain, vào thời điểm chiến thuật của Mỹ là tập trung xây dựng kiến trúc an ninh hàng hải nhằm đối phó với hành động cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Tôi nghĩ điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của quốc hội cũng như sự đồng thuận giữa lưỡng đảng về những gì chúng tôi đang thực hiện trong khu vực", ông Shear nói.
Thượng nghị sĩ McCain, tới tham dự diễn đàn cùng một số đồng nghiệp tại Thượng viện, cho biết khoản tiền hỗ trợ "nhằm giúp các quốc gia trong khu vực tổ chức tập trận, tiếp nhận trang thiết bị (và) tăng cường khả năng phòng thủ".
Theo SASC, khoản hỗ trợ sẽ cung cấp cho Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Chúng "có thể bao gồm cung cấp thiết bị, vật tư, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ" cùng đào tạo cho các lực lượng. Ngoài ra, kinh phí huấn luyện có thể được dành cho Brunei, Singapore và Đài Loan nếu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề nghị.
Khi được quốc hội thông qua, sáng kiến sẽ cấp 50 triệu USD cho năm tài chính 2016, 75 triệu USD cho năm 2017 và 100 triệu cho mỗi năm 2018, 2019, 2020.
Ông Shear gọi sáng kiến là một nỗ lực để "phát triển nhiều nguồn lực hơn" cho quốc gia đối tác. "Xây dựng năng lực cho đối tác là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của chúng tôi suốt một thời gian", ông giải thích. "Chúng tôi đang xem xét những thiếu sót an ninh hàng hải của các đối tác. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với họ về thứ họ cần và cách sử dụng nó".
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, cho biết ông "cảm thấy vui mừng về tiềm năng" khoản tiền hỗ trợ và cách nó sẽ giúp đối tác trong nhận thức hàng hải.
Chủ đề xây dựng đối tác an ninh hàng hải trong khu vực được tiếp tục thể hiện trong hai chuyến thăm tiếp theo của ông Carter đến Việt Nam và Ấn Độ.
Tại Việt Nam, ông Carter đến cảng Hải Phòng, động thái ông gọi là "chuyến thăm chưa từng có tới sở chỉ huy Hải quân Việt Nam và Cảnh sát biển". Ông Carter sau đó tới cảng miền đông Visag, nơi được mô tả là chìa khóa trong chiến lược Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Van Jackson, chuyên gia Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới Mỹ, nhận định xây dựng năng lực cho đối tác trong khu vực là điều quan trọng để duy trì ổn định ở Thái Bình Dương. Nó bao gồm tăng cường tuần tra chung trên biển, huấn luyện chung cũng như đảm bảo các đồng minh trong khu vực còn có thể liên hệ với nhau thay vì chỉ thông qua Mỹ.
Tuy nhiên, Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, tỏ ra thận trọng khi được hỏi về sáng kiến mới. “Nếu sáng kiến mới thúc đẩy được nhận thức của từng nước, là sẽ phản ứng một cách hòa bình, tôi nghĩ điều đó là tốt”, ông nói. Nhưng “chúng ta hi vọng rằng nó không được dùng để làm gia tăng căng thẳng và nói phải được sử dụng trong khuôn khổ luôn thúc đẩy giải pháp hòa bình”.
Như Tâm (theo Defense News)