Người gửi: N.T.D
Tôi không đồng ý với bạn Le Van Hoan với bài viết "Cần có chế tài đối với các nhà khoa học trì trệ". Có lẽ bạn chưa bao giờ tiếp xúc với cộng đồng khoa học Việt Nam.
Bạn nói rằng "Thử thống kê lại xem, ai là người có nhiều phát minh, sáng chế mang lại lợi ích, các nhà khoa học hay các nông dân những người ít học". Vâng, nếu thử thống kê, tôi dám chắc rằng số bằng phát minh sáng chế của những người nông dân chỉ bằng con số lẻ của các nhà nghiên cứu.
Không phải tôi chê các nhà phát minh nông dân, nhưng bạn chỉ thấy những bài báo viết về những trường hợp cá biệt cải tiến máy móc, tôi nhắc bạn cần phân biệt là "cải tiến" chứ không phải "sáng chế".
Thầy tôi từng có những đề tài nghiên cứu về các lò sấy nông sản, và đã đưa vào thực tế sản xuất, có thể nói cả miền Nam vẫn đang dùng lò sấy của thầy, đem lại lợi nhuận cả trăm tỷ đồng cho người làm thiết bị sấy đó. Đó chỉ là một trong các thầy nghiên cứu khoa học của trường tôi thôi.
Ta thường đánh giá cao sự sáng tạo của người nông dân, còn coi những sáng chế của những người trí thức là mặc nhiên, khỏi quảng cáo, nên ít thấy những thành công của các công trình nghiên cứu, chỉ khi thất bại lại bị đem ra chê trách.
Bạn còn nói “Nếu một tổ chức khoa học "sống nhờ" tiền của Nhà nước sau 3-5 năm mà không có hiệu quả kinh tế, quốc phòng nên giải thể. Nếu nhà khoa học sau 2-3 năm mà không có công trình nào phát huy tác dụng cũng nên chuyển sang làm việc khác”.
Bạn nên biết rằng, nhiều công trình nghiên cứu khoa học cần tới hàng chục năm mới kết thúc, vậy những công trình mới bắt đầu thì bạn lại yêu cầu giải tán. Đào tạo một nhà nghiên cứu cũng mất 4-5 năm, sau đó là trợ lý, thành viên cho các nhóm nghiên cứu cũng phải mất 4-5 năm nữa, nghĩa là mất 10 năm mới có thể ra một nhà nghiên cứu độc lập có đủ uy tín, khả năng làm việc, vậy sau 2-3 năm không có đề tài thì chuyển sang làm việc khác, đó có phải là phí phạm nguồn lực hay không.
Chưa kể, nếu đề tài nào cũng thành công thì những nhà nghiên cứu Việt Nam giỏi hơn cả thế giới rồi, bạn có biết giải I-Nobel dành cho các các nhà nghiên cứu thế giới không?
Đúng là có nhiều tổ chức nghiên cứu vẽ dự án ăn tiền, nhưng từ khi có chính sách hạch toán độc lập cho các viện nghiên cứu thì các dự án nghiên cứu trong các viện này nâng hiệu quả rõ rệt. Tôi nghĩ đây cũng là một giải pháp đúng để nâng cao tính tự chủ, cải thiện tình trạng lương bổng của nhà khoa học, cũng như yêu cầu nhà nghiên cứu phải bám sát thực tế cuộc sống để làm sản phẩm phù hợp hơn.
Ngoài ra, cũng phải nói đến thái độ sính đồ ngoại của người Việt Nam. Các ông chủ doanh nghiêp thà mua đồ secondhand, lỗi thời chứ không chịu mua đồ trong nước. Không có đầu ra, làm sao những nhà sản xuất, nhà nghiên cứu có khả năng nghiên cứu, phát triển sản phẩm của mình.
Trước hết, muốn phát triển, người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam trước đã.