Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó, lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu PMI trên 50 và ngược lại, thu hẹp nếu dưới 50.
Tháng 2, PMI Việt Nam đạt 54,3 điểm, tăng so với mức 53,7 điểm của tháng 1, cho thấy có sự tăng trưởng bốn tháng liên tiếp.
"Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp thục thể hiện khả năng chống chịu tốt với Covid-19", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận xét.
Theo đó, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong suốt 5 tháng qua sau khi bị biến thể Delta làm gián đoạn. Động lực tăng trưởng tổng thể đã cải thiện nhờ nhu cầu khách hàng đã mạnh lên. Số đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ tăng đã nhanh hơn đạt mức cao của 10 tháng.
Mặt khác, nhu cầu quốc tế cũng cải thiện trong tháng 2 khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng đáng kể. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng, điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm sản lượng sản xuất tăng tháng thứ năm liên tiếp. Giống như số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ tăng sản lượng cũng là mức đáng kể nhất kể từ tháng 4/2021.
Những yếu tố này đã thúc đẩy mức độ lạc quan của giới kinh doanh về triển vọng sản lượng trong năm tới. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết, sản lượng dự kiến tăng tới đây.
Tuy nhiên, bức tranh sản xuất không hoàn toàn tốt đẹp khi các doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc về nguồn cung hạn chế. Điều này đang kìm hãm đà tăng sản lượng, theo IHS.
"Các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục một lượng đủ lớn công nhân trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan kiếm", ông Andrew Harker nói.
Các nhà sản xuất cho biết, giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh phản ánh việc các nhà cung cấp nâng giá bán nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng đề cập đến giá dầu phi mã gần đây. Việc chuyển gánh nặng chi phí sang khách hàng đã khiến giá bán tháng sao cao hơn tháng trước trong 18 tháng. Tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng 1.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng mạnh trong tháng 2 khi các công ty cố gắng nhập hàng để hỗ trợ tăng sản lượng. Do đó, tồn kho hàng mua đã tăng nhanh nhất trong 10 tháng, trở thành mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận. Tồn kho thành phẩm cũng tăng vào giữa quý I, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ. Người trả lời khảo sát cho biết, mức tăng này đã phản ánh không chỉ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mà cả những khó khăn trong việc chuyển hàng thành phẩm cho khách hàng giữa những khó khăn của khâu vận tải.
Tuy nhiên, phía IHS cũng thông tin, các nhà sản xuất đang hy vọng những khó khăn sẽ giảm dần trong các tháng tới, giúp sản lượng thoát khỏi sự kìm hãm này.
Đức Minh