Theo HSBC và Markit Economics, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ của Trung Quốc tháng 1 là 49,6, thấp nhất 6 tháng. Số liệu này cũng dưới PMI tháng 12 và dự đoán của các chuyên gia trong khảo sát của Bloomberg.
Sau tin tức trên, chứng khoán châu Á và đôla Australia đã đồng loạt đi xuống. Đến 9h (giờ Hà Nội), chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương đã giảm 0,6% với cả 10 nhóm ngành đều đi xuống. Chỉ số Shanghai Composite Index (Trung Quốc) giảm 0,3%, Kospi (Hàn Quốc) mất 0,6%. Mạnh nhất là Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) với 1,2%.
![china-pmi-9780-1390448930.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/01/23/china-pmi-9780-1390448930.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f94dV60JYkQSFfbYYzUh8w)
Sản xuất Trung Quốc đã giảm xuống đáy 6 tháng. Ảnh: Blooomberg
Sản xuất yếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lên nỗ lực giảm dư thừa công suất và kiềm chế tín dụng của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. "Các chính sách nên tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng. Báo cáo hôm nay cho thấy đà tăng trưởng ngành sản xuất đang yếu đi, gây áp lực lên tình hình việc làm", Qu Hongbin – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại HSBC cho biết.
Từ đầu năm, Trung Quốc đã liên tiếp nhận tin tức kém lạc quan về nền kinh tế. Sản lượng công nghiệp tháng 12 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 10% của tháng 11. Bên cạnh đó, GDP 2013 Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,7%, thấp nhất 14 năm.
Cơ quan Hậu cần – Thu mua Trung Quốc và Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cũng sẽ công bố PMI của họ vào ngày 1/2. Chỉ số này đã đạt 50,1 vào tháng 12 – thấp nhất 4 tháng.
Hà Thu