Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Trung Quốc đã tăng 2,5%, thấp hơn dự đoán 2,7% của các nhà phân tích trong khảo sát của Bloomberg. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 1,4% so với năm ngoái. PPI đã có chuỗi giảm dài nhất kể từ thập niên 90.
Tuần trước, HSBC và Markit Economics cũng công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 của Trung Quốc chỉ đạt 50,5, thấp nhất 3 tháng. Những dấu hiệu suy giảm này chính là thách thức với chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, khi các nhà làm luật đang nỗ lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát nợ xấu. Tung gói kích thích sẽ làm tăng rủi ro lạm dụng đòn bẩy. Còn nếu không làm gì, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể xuống sát giới hạn 7%.
"PPI giảm có nghĩa sản xuất vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức", Shen Jianguang - nhà kinh tế học khu vực châu Á tại Mizuho Securities Asia cho biết. Khi sản xuất vẫn còn bị đè nặng bởi lãi suất cao, thắt chặt tiền tệ không phải là lựa chọn sáng suốt. Shanghai Composite Index đã giảm 0,1% hôm qua. Trong 12 tháng, chỉ số chứng khoán này đã mất 10%.
Năm 2013, tốc độ lạm phát của Trung Quốc là 2,6%, vẫn dưới mục tiêu 3,5% của Chính phủ. Trong khi đó, PPI được dự đoán giảm 1,3%.
Trong một phiên họp tháng trước, giới chức Trung Quốc đã cam kết "bình ổn giá cả để có môi trường thuận lợi cho việc cải tổ". Nước này cũng đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng kinh tế, từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng, trong khi vẫn phải duy trì tăng trưởng ở tốc độ "hợp lý" để đảm bảo việc làm.
Hà Thu