Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 0,8% so với tháng 3 và tăng 6,3% so với cùng kỳ 2023.
Tính chung bốn tháng đầu năm, IIP tăng 6%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 2,5% trong cùng giai đoạn 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3%, đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Số lao động làm việc trong ngành tại thời điểm 1/4 mở rộng 3,4% so với cùng thời điểm năm trước.
Như vậy, sản xuất công nghiệp nhìn chung duy trì đà phục hồi trong một năm qua, không kể tháng 2 suy giảm do rơi vào Tết Nguyên đán 2024 và tháng 1 tăng đột biến do mức nền so sánh thấp (tháng 1/2023 rơi vào Tết Nguyên đán 2023 và đồng thời cũng là giai đoạn sản xuất chậm lại).
Sản xuất cải thiện đóng góp đáng kể vào mức tăng 15% của xuất khẩu trong 4 tháng qua. Theo đó, sản phẩm công nghiệp chiếm hơn 87% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 123,64 tỷ USD. Xuất siêu cũng tăng lên mức 8,4 tỷ USD, so với con số 7,66 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu nhập khẩu cho thấy sản xuất có khả năng tiếp tục khả quan trong những tháng tới. Bốn tháng qua, Việt Nam chi 115,24 tỷ USD để mua hàng từ nước ngoài, tăng 15,4%. Có đến 94% số này là tư liệu sản xuất, giá trị hơn 108 tỷ USD.
Báo cáo vĩ mô quý I của chứng khoán VnDirect phát hành cuối tháng 4 đánh giá ngành công nghiệp vẫn đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, vẫn cần quan sát thêm để kiểm chứng khi chỉ số nhà quan trị mua hàng (PMI) tháng 3 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, tức phản ánh suy giảm.
Cùng với sản xuất, thương mại dịch vụ và đầu tư duy trì tích cực trong 4 tháng qua, dù còn những điểm chưa hoàn toàn ổn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước và nước ngoài tăng lần lượt 5,9% và 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI đổ vào đạt gần 9,27 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh nghiệp còn đối diện nhiều con gió ngược. Bình quân mỗi tháng có 20.300 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng có đến 21.600 doanh nghiệp rút lui, tăng 12,2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,5% nhưng đã chậm lại khi cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%. Trước đó, VnDirect cho rằng đà phục hồi của ngành dịch vụ đã có dấu hiệu chững lại vào quý I, do 3 nguyên nhân gồm nhu cầu trong nước vẫn gặp khó khăn; tăng trưởng hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm tốc; tác động tích cực từ việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch phai nhạt dần.
Viễn Thông