Giữa tháng 5, Zhongshan Xiliwang Electrical Appliances, một nhà sản xuất quạt thông gió nhà bếp ở miền nam Trung Quốc, đã thông baáo ngừng nhận các đơn đặt hàng mới và kêu gọi khách hàng đợi hai tuần trước khi thương lượng giá cả, do biến động đầu vào. Công ty nói rằng đã thua lỗ kể từ tháng 4, một phần do giá kim loại, kính và thiết bị chuyển mạch tăng đáng kể.
Ông Xing Jialiang, chủ một nhà máy sản xuất kính ở Trung Sơn, cho biết đang không còn nhiều lựa chọn. Công ty ông đã tăng giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa đủ để bù mức tăng 10% của chi phí.
Giá thành bị đẩy lên một phần do chính quyền Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế sản xuất tại một số nhà máy gây ô nhiễm cao, bao gồm cả những nhà máy sản xuất thủy tinh, vốn tiêu tốn nhiều năng lượng và thải ra một lượng lớn CO2. "Có khả năng chúng tôi phải dừng sản xuất trong một tháng hoặc lâu hơn nếu chi phí nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng", ông Xing nói.

Một công nhân sản xuất vành thép xe đạp tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào ngày 2/3/2020. Ảnh: Reuters.
Nhiều nhà sản xuất hy vọng rằng nếu trì hoãn đơn đặt hàng hoặc sản xuất chậm, họ có thể vượt qua giai đoạn chi phí cao của hiện tại mà không bị thiệt hại lớn, cho đến khi giá đầu vào bình thường trở lại hoặc nhu cầu hàng tiêu dùng trên toàn cầu hạ nhiệt.
Đơn đặt hàng cho mọi thứ, từ xe đạp đến máy tính xách tay đã tăng vọt khi người tiêu dùng phương Tây bắt đầu dùng các khoản tiền kích thích được phân phát và tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch để mua sắm. Diễn biến này đã gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá nguyên vật liệu tăng vọt.
Nhưng kịch bản này có thể thất bại nếu giá nguyên liệu thô tiếp tục tăng hoặc nếu nhu cầu của phương Tây không hạ nhiệt. Khi đó, các nhà máy hạn chế sản xuất sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa nhiều hơn, dẫn đến áp lực lạm phát lớn hơn.
"Nếu áp lực chi phí đầu vào vẫn còn, nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc sẽ buộc phải ngừng sản xuất hoặc chuyển chi phí đó cho người tiêu dùng trong và ngoài nước", Shuang Ding, Nhà kinh tế tại Standard Chartered, đánh giá.
Theo vị chuyên gia, lựa chọn thứ hai có thể trở nên phổ biến hơn vì sự bùng nổ gần đây của Covid-19 ở các quốc gia châu Á khác đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc gia tăng vị thế để thương lượng giá hơn với bên mua.
Kết quả cuối cùng có thể là áp lực lạm phát tiếp tục tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc, bao gồm cả Mỹ, nơi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa lạm phát ở Trung Quốc và lạm phát tiêu dùng ở Mỹ", ông Ding nói.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về tình hình này, mặc dù một phần vì những lý do khác. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nước này sau đại dịch chủ yếu dựa vào khu vực sản xuất. Do đó, nếu lĩnh vực này gặp khó thì sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của đất nước. Nó cũng có thể dẫn đến lạm phát nhiều hơn, tạo ra trở ngại mới cho tăng trưởng.
Thước đo mới nhất về hoạt động sản xuất của Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 51 trong tháng 5, từ 51,1 trong tháng 4. Chỉ số phụ theo dõi các doanh nghiệp nhỏ cũng giảm sau hai tháng mở rộng. "Chúng tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng sẽ suy yếu trong năm nay", Julian Evans-Pritchard, Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định.
Giới chức nước này đã nhắc lại cảnh báo về chi phí đầu vào cao hơn trong những tuần gần đây, bao gồm việc ra lệnh cho lãnh đạo trong ngành hàng hóa tránh để diễn ra thao túng thị trường, tích trữ và các hoạt động khác có thể đẩy giá nguyên liệu thô lên cao. Chỉ số theo dõi giá mua nguyên liệu thô chủ chốt đã tăng lên 72,8 trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 11/2010.
Cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chi nhánh Thượng Hải cho biết, khoảng 47% nhà sản xuất có kế hoạch điều chỉnh giá trong thời gian tới. Có 37% nói sẽ thận trọng khi nhận các đơn đặt hàng mớ. Và hơn 38% dự báo giá nguyên liệu thô sẽ tiếp tục tăng trung bình trong một quý nữa.
Ông Lü Jinzhong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của PBOC Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc nên xem xét để nhân dân tệ mạnh lên nhằm chống lại tác động từ lạm phát nhập khẩu trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Một vấn đề khác đối với nhiều nhà máy Trung Quốc là không phải lúc nào cũng có đủ công nhân để theo kịp sự gia tăng nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu.
Ông David Li, Tổng thư ký Hiệp hội Giày dép Châu Á tại Dongguan thuộc miền nam Trung Quốc, cho biết nhiều nhà máy sản xuất giày nhận lượng đơn đặt hàng tăng vọt trong năm nay nhưng phải vật lộn để tuyển đủ lao động trẻ. "Đây không chỉ là vấn đề ở Quảng Đông, mà còn là vấn đề trên toàn quốc. Thanh niên ngày nay thà làm nhân viên giao hàng hơn là làm việc cho các nhà máy", ông nói.
Foshan Modern Copper & Aluminum Extrusion, một công ty chế biến nhôm với khoảng 700 công nhân Quảng Đông, cho biết nhà máy vẫn thiếu 70 lao động ngay cả khi đã tăng lương 10% trong năm nay, so với mức tăng 3% hàng năm thông thường trước đó.
"Rõ ràng điều đó vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với nhiều người trẻ tuổi. Covid có thể đã thúc đẩy nhiều công nhân ở lại quê hương của họ thay vì tìm kiếm việc làm", Huang Ruifeng, đại diện công ty cho biết.
Phiên An (theo WSJ)