Giao dịch tại hệ thống của Ngân hàng Á Châu (ACB) chiếm 70% tổng khối lượng giao dịch qua sàn tại Việt Nam. Trong buổi sáng 23/10, phí rút vàng tại đây là 1,3 triệu đồng một lượng, đến giữa chiều tăng lên mức 1,4 triệu. Trước đó một ngày, nhà đầu tư chỉ phải trả 920.000 đồng.
Sáng nay, ACB lại nâng lên mức 1,45 triệu đồng. Khoảng 11h trưa nay, khi giá khớp trên sàn đạt 15,1 triệu đồng mỗi lượng, thấp hơn giá mua vào tại các doanh nghiệp khoảng 1,4 triệu đồng. Khi giá giao dịch trên sàn thấp hơn ngoài thị trường, nhiều khách hàng muốn rút vàng trong tài khoản để bán ra, hưởng chênh lệch. Nhưng nếu tính toán chi li, nhà đầu tư sẽ lỗ nặng nếu muốn thu lời bằng cách đó. Một số người do nhu cầu buộc phải rút vàng trong tài khoản thì phải bấm bụng chịu khoản phí không dễ chịu chút nào.
Chênh lệch giữa giá trên sàn và ngoài thị trường càng lớn thì mức phí này càng cao, và thường vượt lên trên khoảng vênh đó. Hạn mức thanh toán, nộp hay rút vàng bị khống chế còn 1 lượng mỗi ngày càng dập tắt hy vọng của người chơi. Không những thế, sau khi khách hàng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, nộp phí để rút vàng, họ lại bị ràng buộc bởi một số quy định giao dịch khắt khe khác.
Trường hợp giá trên sàn đắt hơn ngoài thị trường tự do, nhà đầu tư không chọn xu hướng rút vàng tài khoản bán ra ngoài để kiếm lời. Những người muốn mua vàng với giá rẻ cũng không thể mua thông qua sàn.
Nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết khi giao dịch trên sàn. Ảnh: PV. |
Theo Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Đức Thái Hân, sàn phải áp dụng phí vì trong quá trình giao dịch, một số khách hàng thường xuyên nộp hoặc rút vàng, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của sàn.
Một nhân viên sàn giao dịch vàng ACB trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) cho biết, mức phí được xác định dựa trên sự tương quan giá vàng trong và ngoài sàn, khối lượng khách hàng có nhu cầu nộp hoặc rút. Ngoài ra, sàn cũng phải phụ thuộc vào khả năng cung cấp vàng miếng của thị trường và nhà sản xuất trong từng thời kỳ.
Trong khi đó, tại một số sàn khác như sàn vàng SJC của Công ty chứng khoán Hà Thành, nếu khách hàng muốn rút vàng vượt hạn mức thì phải đăng ký với nhân viên của ngân hàng (vừa là thành viên, đơn vị thành lập sàn). Căn cứ theo tình hình thực tế, ngân hàng này mới quyết định được nhu cầu của khách. Tuy vậy, khả năng thành công thường là rất ít. Hiện khách hàng cá nhân tại đây được rút tối đa 5 lượng một ngày trên một tài khoản.
Giá vàng trên sàn chủ yếu do cung cầu và khối lượng giao dịch quyết định. Tại một số sàn lớn như ACB còn dựa trên cơ sở giá bình quân đầu ngày của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng thành viên. Chính vì thế, giá trên sàn và ngoài thị trường thường vênh nhau. Có điều, khoảng chênh lệch này dao động trong biên độ quá lớn, phổ biến từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng một lượng. Điều này khiến không ít nhà đầu tư thắc mắc.
Một số chuyên gia cho rằng, hợp đồng giao dịch giữa các sàn với khách hàng thực chất là hợp đồng đơn phương, nhà đầu tư ký vào hợp đồng do sàn lập sẵn. Vì vậy, ngoài những rủi ro về mặt kỹ thuật, nhà đầu tư gần như không có bất kỳ sự đảm bảo lợi ích nào từ quy định của pháp luật.
Phương Trang