Các sàn vàng trên cả nước phải chấm dứt hoạt động, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 30/12/2009. Theo đó, những sàn vàng đang hoạt động bắt buộc phải ngừng trước ngày 30/3/2010. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 369/TB-VPCP ban hành hôm 30/12. |
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, Chính phủ ra quyết định cấm sàn vàng hoạt động thì hiển nhiên đã cân nhắc kỹ lưỡng.
Do đó, ngay từ bây giờ, VGB tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư có thể tất toán trạng thái bất cứ lúc nào có lợi cho họ. Đồng thời, đây là thời điểm nhạy cảm rất dễ xảy ra tình trạng một vài tổ chức đầu cơ lợi dụng hoạt động nhằm mưu lợi bất chính. Vì thế, VGB sẽ tăng cường giám sát chặt các hoạt động giao dịch trên sàn và duy trì biên độ giá ổn định, sát với giá thị trường thế giới để tránh gây bất lợi cho nhà đầu tư trong suốt thời gian 3 tháng đến khi chấm dứt mọi hoạt động của sàn vàng.
Tuy nhiên, với quyết định cấm sàn vàng hoạt động, theo ông Hải, nhà đầu tư và chủ sàn sẽ phải đối mặt với một số khó khăn khi phải chấm dứt hoạt động kể từ ngày 30/3. Trước hết là về phía nhà đầu tư. Hiện tại, có rất nhiều người bị kẹt lệnh vì trước đó đã bán với giá thấp, mua giá cao, nay giá vàng thế giới liên tục đi ngang và ít biến động. Nếu như trong thời gian 3 tháng tới, giá vàng thế giới vẫn không thay đổi, trong khi nhà đầu tư buộc phải tất toán toàn bộ trạng thái theo quy định trước ngày 30/3/2010, sẽ khiến họ rơi vào tình cảnh bị thua lỗ (các lệnh mua và bán đều chịu thiệt).
Về phía các chủ sàn, ông Hải cho rằng, không chỉ các chủ sàn mà ngay cả nhiều đại lý nhận lệnh của các sàn cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn, khi phải ngưng toàn bộ hoạt động giao dịch vàng trên sàn. Bởi lẽ, một lượng tiền lớn dùng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phần mềm và các dịch vụ để phục vụ cho hoạt động giao dịch vàng trên sàn, nay sẽ trở thành "đồ phế liệu". "Vô tình đã gây ra một sự lãng phí rất lớn", ông Hải nói.
Ông Hải cũng lo ngại tình trạng sàn vàng chui sẽ bùng nổ sau khi các sàn vàng công khai bị ngưng hoạt động. Trước khi các sàn vàng trong nước đi vào hoạt động, đã từng tồn tại thực trạng một số ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chuyên làm đầu mối nhận tiền ngoại tệ của các nhà đầu tư để tham gia giao dịch ra nước ngoài. "Nếu các sàn vàng trong nước bị cấm, thì mô hình này chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hoạt động mạnh hơn và rủi ro cho nhà đầu tư là rất lớn", ông Hải nhấn mạnh.
![]() |
Các sàn vàng phải đóng cửa trước ngày 30/3/2010. Ảnh: ACB |
Cũng băn khoăn về những biến tướng tiêu cực như sàn vàng hoạt động chui, các giao dịch với sàn nước ngoài tiếp diễn... lãnh đạo Trung tâm giao dịch vàng Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á cho biết, sàn Việt Á cũng đang cho ngưng việc mở tài khoản mới. Khi có văn bản chính thức của Chính phủ về việc ngưng hoạt động sàn vàng, đơn vị sẽ ngay lập tức thông báo khuyến cáo các nhà đầu tư tất toán trạng thái.
Ngoài ra, rất nhiều lãnh đạo các sàn vàng đều có chung mối quan tâm: "Quy định cấm sàn vàng hoạt động đến bao giờ mới kết thúc. Liệu khi nào thì có thể cho phép sàn vàng hoạt động lại".
Về phía các chuyên gia kinh tế, Chính phủ đưa ra phương án quản lý các sàn vàng tại thời điểm này là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời những tác hại lớn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vàng trên tài khoản là có thật và chính đáng. Do đó, trong thời gian tới, cần phải đưa ra được quy chế quản lý và có thể tổ chức thành Sở giao dịch vàng, để cho phép loại hình này hoạt động lại theo đúng khuôn khổ của pháp luật.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP HCM, biện pháp quản lý sàn vàng tại thời điểm này là điều rất cần thiết và nên làm, nhằm chấn chỉnh lại thị trường. Tuy nhiên, quyết định đóng cửa các sàn vàng chỉ là một giải pháp tình thế. Trong thời gian tới, Việt Nam cần phải xây dựng hoàn chỉnh quy chế quản lý sàn vàng. Nên thống nhất việc đề cử ra một đơn vị độc lập của Nhà nước đứng ra quản lý hoạt động của các sàn vàng theo cơ chế tập trung, chặt chẽ tương tự như Sở giao dịch chứng khoán. Điều này sẽ tránh được tình trạng phân tán và hoạt động lậu.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, vì chưa có một cơ chế quản lý chung cho các sàn vàng xảy ra tình trạng mỗi sàn một cơ chế riêng gây thiệt thòi cho nhà đầu tư, đồng thời tạo ra nhiều xáo động cho thị trường. Do đó, bắt buộc cơ quan chức năng phải quản lý.
Theo Tiến sĩ Dương, có một phương pháp tối ưu để quản lý sàn vàng là đưa vào một hệ quy chuẩn chung để quản lý như các nước trên thế giới đang làm. Tuy nhiên, cách thức này đòi hỏi quy mô sàn vàng phải lớn, trình độ quản lý cao và đặt biệt là các quy chế, luật lệ phải rõ ràng, chặt chẽ. Nhưng Việt Nam thì chưa thể làm được điều đó. Việc này cần phải có thời gian dài mới triển khai được. "Chính vì thế, phương án tạm thời đóng cửa các sàn vàng mà Chính phủ đang làm được coi là phương pháp cần phải làm trong thời điểm nhạy cảm hiện nay để chấn chỉnh thị trường", ông Dương nói.
Tuy nhiên, theo ông Dương, để đảm bảo nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư và rộng hơn là để ổn định nền kinh tế vĩ mô, trong thời gian tới, Chính phủ cần phải xây dựng một cơ chế hoàn chỉnh và cho phép sàn vàng hoạt động. Vì đây cũng là một hình thức kinh doanh hợp pháp, Nhà nước cần khuyến khích để đa dạng hóa các loại hình kinh tế.
GS.TS Trần Ngọc Thơ thì đặt câu hỏi tại sao Chính phủ phải quan tâm quá nhiều đến hoạt động của các sàn vàng, trong khi hoạt động của các sàn giao dịch khác như sàn giao dịch nông sản, nhiều khi có phần quan trọng hơn thì cho đến giờ vẫn chưa có khung pháp lý và được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm. Giao dịch trên sàn giao dịch nông sản như lúa gạo, cà phê, cao su... chẳng những giúp người nông dân được phòng hộ rủi ro về giá cả, mà còn đóng góp vào GDP thực của nền kinh tế. Trong khi, thời gian và cuộc tranh luận về sàn vàng đã tiêu tốn quá nhiều thời gian. Ông Thơ cho rằng, những người có trách nhiệm nên dành bớt thời gian để quan tâm đúng mức đến người nông dân.
Quy định cấm sàn vàng hoạt động cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Anh Hoài Nam, một nhà đầu tư trên sàn vàng VGB cho biết, không chỉ anh mà hầu hết nhà đầu tư tỏ ra không hài lòng với quyết định này. "Việc quản lý sàn vàng rõ ràng khó, nhưng không đến nỗi không làm được đến nỗi phải cấm", anh khẳng định. Anh Hoài Nam cho biết đồng ý với phương án thu thuế nhà đầu tư sàn vàng hoặc nâng tỷ lệ ký quý lên 100%, thay vì cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.
Trong cuộc họp nghiên cứu phương án đánh thuế nhà đầu tư tại Bộ Tài chính tháng trước, đại diện từ Ngân hàng Nhà nước nhận xét hoạt động kinh doanh vàng không mang lại lợi ích nào cho quốc gia. Tuy nhiên, đây lại là nguồn thu chính đối với nhiều người. Anh Hoài Nam cho biết, lời lãi từ chơi vàng là nguồn thu nhập duy nhất của anh hiện nay. Theo anh, cấm chơi vàng trên tài khoản sẽ khiến nhiều người "thất nghiệp".
Ngay khi nhận được thông tin, các nhà đầu tư trên sàn vàng đã tính ngay ra giải pháp mới. Trong đó, việc chuyển qua chơi ở các sàn vàng quốc tế được nhiều người nghĩ đến. Lâu nay, nhiều nhà đầu tư vẫn mở tài khoản ở các sàn vàng quốc tế do "chê" trung tâm giao dịch trong nước không bám sát với diễn biến thị trường toàn cầu.
Phương án chuyển qua chơi vàng miếng cũng được một số nhà đầu tư dự định. Tuy vậy, như chị Ngọc, nhà đầu tư lâu nay vẫn trung thành với sàn vàng, nhận định: "Thị trường vàng miếng trong nước khó chơi hơn cả vàng "ảo", do giá thường cách biệt xa so với quốc tế".
Lệ Chi - Thanh Bình