* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Sau một tuần ra rạp, phim của đạo diễn Hoàng Nam đứng đầu phòng vé với gần 80 tỷ đồng. Ở nhiều cụm rạp, phim được xếp số suất chiếu cao, vượt hai tác phẩm ăn khách mùa Tết là Bộ tứ báo thủ (Trấn Thành) và Nụ hôn bạc tỷ (Thu Trang). Dù vậy, một bộ phận khán giả nêu nhận xét "doanh thu không tương xứng chất lượng".
Trailer "Đèn âm hồn" - dán nhãn 18+. Video: Đoàn phim cung cấp
Câu chuyện của Đèn âm hồn thiếu liền mạch do ôm đồm nhiều tình tiết. Lấy ý tưởng từ Chuyện người con gái Nam Xương (sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ), biên kịch phát triển theo thông điệp thân phận người vợ, người mẹ dưới thời phong kiến. Phim xoay quanh Thương (Diễm Trang đóng) - một phụ nữ có chồng đi tòng quân nơi phương xa. Để con trai nhỏ bớt tủi thân, mỗi đêm, Thương hay chỉ chiếc bóng trên tường, nói rằng đó là bố của con. Một ngày, cậu bé nhặt được chiếc đèn có khả năng triệu hồi linh hồn ở cõi âm. Bi kịch bắt đầu khi Đinh (Phú Thịnh) - chồng Thương trở về, nghi nàng có người khác.
Để kịch tính hơn, đạo diễn tạo ra tuyến truyện của Liễu (Hoàng Kim Ngọc) và Hường (Tuấn "Mõ) - bộ đôi thầy cúng giúp dân làng trục vong. Tuy nhiên, vì lồng ghép các tình tiết theo thể loại trừ tà, Hoàng Nam loay hoay trong việc xác định thông điệp chính của tác phẩm.
![Diễm Trang đóng vai chính - nàng Thương trong Đèn âm hồn. Ảnh: Challenge Me](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/02/13/den-am-hon-phim-2-1739445037-8464-1739445362.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Dv-I0FJ3dIEy6g72tmakrg)
Diễm Trang đóng vai chính - nàng Thương trong "Đèn âm hồn". Ảnh: Challenge Me
Nguyễn Minh Luân - dịch giả sách điện ảnh ở TP HCM - cho rằng nội dung thiếu thuyết phục vì các vai không phát triển về tâm lý. Nàng Thương từ đầu đến cuối phim vẫn là phụ nữ yếu thế, kém tiếng nói trong gia đình. Đinh - chồng Thương - xuất hiện gần giữa phim nhưng nhạt nhòa về tính cách. Liễu có nhiều "đất" diễn, ghi dấu trong các phân cảnh chiến đấu với thế lực hắc ám, song câu chuyện về cô bị bỏ lửng ở phần kết. "Khi phim kết thúc, khán giả không thấy được các nhân vật trở thành người như thế nào, học được bài học gì, thay đổi ra sao", anh nhận xét.
Nhiều tình tiết trong phim khiên cưỡng. "Đèn âm hồn" xuất hiện từ đầu phim nhưng người xem không được giải thích rõ xuất xứ, câu chuyện đằng sau cổ vật quyền năng này. Việc con trai Thương tình cờ phát hiện chiếc đèn ở nghĩa địa, sau đó mang về nhà có phần phi logic vì quá ngẫu nhiên, thiếu sự dàn dựng hợp lý.
Hậu trường cảnh trục vong trong phim. Video: Đoàn phim cung cấp
Một số phân đoạn được cho là giống các phim nước ngoài cùng thể loại. Trên một nhóm fan điện ảnh hàng trăm nghìn thành viên, đông đảo khán giả so sánh cho rằng cảnh Liễu và Hướng làm lễ trục hồn với tình huống tương tự trong Exhuma: Quật mộ trùng ma (2024). Trong Đèn âm hồn, nhân vật Liễu cũng có vũ điệu trừ tà, Hướng ngồi đánh trống hỗ trợ, như bộ đôi Hwa Rim (Kim Go Eun), Bong Gil (Lee Do Hyun) của bom tấn kinh dị Hàn Quốc. Đạo diễn phủ nhận chuyện đạo ý tưởng, cho biết từng xem Exhuma nhưng chỉ lấy cảm hứng ở việc lồng ghép yếu tố văn hóa bản địa.
Diễn xuất của Phú Thịnh bị phản ứng vì biểu cảm thiếu hợp lý. Khi Đinh từ chiến trận trở về, hội ngộ vợ con, diễn viên không thể hiện được nỗi nhớ nhung, cảm xúc vỡ òa của người chồng sau thời gian dài xa cách. Trên TikTok, nhiều video ghi lại cảnh khán giả bật cười với phân đoạn này, thu hút hàng triệu lượt xem. "Chi tiết này đáng lẽ gây xúc động nhưng lại tạo hiệu ứng ngược vì nam chính diễn đơ", khán giả Phước Cường cho biết.
Phú Thịnh diễn trong phân cảnh người chồng ghen tuông khi trở về nhà. Video: Đoàn phim cung cấp
Ở nhiều cảnh, diễn viên còn mắc lỗi cường điệu với ánh mắt trợn trừng, gằn giọng, nghiến răng khi thoại. Phú Thịnh cho biết khi đọc các bình luận của người xem, anh buồn vì chưa thể hiện tốt nhân vật, rút kinh nghiệm cho tác phẩm sau. Anh giải thích bản thân còn thiếu trải nghiệm thực tế, chỉ xem video, hình ảnh tư liệu để hóa thân vào nhân vật thời phong kiến.
Đạo diễn Lý Minh Thắng (phim Mẹ chồng) - một khán giả của phim - cho rằng điểm yếu lớn nhất của tác phẩm này là ở cấu trúc kịch bản, cách kể chuyện. Theo anh, phim có nhiều tình tiết lan man, không đúng trọng tâm thông điệp đề ra từ ban đầu. "Tác phẩm thiếu sự gãy gọn, cô đọng của điện ảnh, chủ yếu theo hơi hướng của phim truyền hình. Diễn xuất cũng là hạt sạn lớn mà bất cứ ai xem cũng có thể thấy. Một số diễn viên đóng theo hướng 'tự nhiên chủ nghĩa', thiếu sự nhập tâm - các lỗi thường hay mắc ở một phim điện ảnh đầu tay", Lý Minh Thắng nêu nhận định.
Kỹ xảo phim là một "sạn" lớn. Ở đầu tác phẩm, phân cảnh con bướm bay lên nấm mộ kém chân thực. Tương tự, lúc nữ chính bị thế lực quỷ dị săn đuổi trong rừng, hình ảnh bộ xương không tạo được hiệu quả "jumpscare" (hù dọa đột ngột) do lối xử lý VFX còn thô sơ, vụng về.
Cuối phim, cảnh đôi nhân vật chạy ra khỏi ngôi nhà đang bốc cháy để lộ lỗi hậu kỳ. Đạo diễn cho biết khâu hiệu ứng hình ảnh là một trong những công đoạn khiến êkíp tốn nhiều kinh phí nhất, với hơn 600 cảnh quay được chỉnh sửa đồ họa.
Trả lời phỏng vấn về phim, đạo diễn Hoàng Nam cho biết với tác phẩm đầu tay, anh ghi nhận những lời góp ý về nội dung để phát triển tiếp phần hai. Đạo diễn cũng đón nhận ý kiến việc tác phẩm mắc lỗi diễn xuất. "Trên trường quay, tôi đã góp ý ngay với Phú Thịnh khi nhận ra diễn viên này đóng chưa đạt. Sau khi hoàn thành bộ phim, tôi nói rằng cậu ấy có thể đối diện nhiều bình luận tiêu cực. Tuy nhiên, với tư cách là một phần của đoàn phim, Phú Thịnh nỗ lực với vai diễn và tôi đánh giá cao điều đó", anh cho biết.
Mai Nhật