Hơn một triệu công dân Singapore trong độ tuổi lao động, từ 25 tuổi trở lên, hàng năm đều được nhận tiền tài trợ của Chính phủ vào một tài khoản riêng, gọi là Kỹ năng tương lai, SkillsFuture, để tham gia các khóa đào tạo nâng cao, hay đào tạo lại kỹ năng đã có, để không bị "cùn" kiến thức, bị lạc hậu với thời cuộc, và nhanh chóng kiếm được công việc mới phù hợp nếu bị mất việc.
Cũng trong thời gian này, nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam vốn đang làm việc trong các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đang lo lắng vì nguy cơ mất việc do chủ trương tái cấu trúc, sắp xếp lại tổ chức, mà phần lớn trong số họ từ lâu đã quen với "khu vực an toàn", không dễ dàng tìm được công việc mới. Song song với việc sắp xếp lại các cơ quan, doanh nghiệp là yêu cầu từ những lãnh đạo cao nhất của đất nước phải phát huy nội lực, nâng cao giá trị thặng dư từ doanh nghiệp nội địa, từ nguồn nhân lực trong nước vào chuỗi giá trị thặng dư để phát triển nền kinh tế. Tôi nghĩ đến việc chia sẻ về cách Chính phủ Singapore hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như thế nào để thực hiện mục tiêu này.
Rất thực tế với nguyên tắc dạy người ta cách câu cá chứ không cho cá, Chính phủ Singapore lập ra các chương trình nâng cao năng lực của lực lượng lao động để tồn tại trong thị trường rất cạnh tranh của đảo quốc. Chương trình Skills Future - Kỹ năng tương lai không những tài trợ kinh phí để người dân đi học, không ngừng nâng cao năng lực suốt đời, mà còn dự báo ngành nghề nào thị trường lao động sẽ cần trong thời gian ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn để hướng nghiệp, hỗ trợ cho người học lựa chọn đúng đắn về giáo dục, đào tạo và nghề nghiệp.
SkillsFuture được thiết kế phù hợp với đối tượng tham gia, như phân loại đào tạo dựa trên từng giai đoạn - mới tốt nghiệp và bắt đầu đi làm (early-career), giai đoạn giữa của sự nghiệp (mid-career) hay chuyển nghề - đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, SkillsFuture đồng thời hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, công ty vừa và nhỏ trong việc tuyển dụng nhân công, đào tạo nhân viên mới hay cập nhật kiến thức cho số công nhân lớn tuổi về ứng dụng công nghệ mới trong thời đại kinh tế số.
Từ khi thành lập năm 2015, mỗi năm có trên nửa triệu người dân Singapore tham dự các khóa đào tạo của SkillsFuture, gần 30 nghìn doanh nghiệp, công ty tham gia và hưởng lợi ích từ chương trình này mang lại.
Dưới góc độ kinh tế, lực lượng lao động lành nghề, chủ động, linh hoạt của Singapore đã góp phần rất lớn giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước kháng cự rồi bật lên rất nhanh sau dịch Covid-19. Chỉ sau nạn dịch hai năm, năm 2024, phần lớn doanh nghiệp nội địa của Singapore đã phục hồi và phát triển. Singapore vượt lên thành nền kinh tế lớn thứ hai trong ASEAN.
Dưới góc độ xã hội, thành công của chương trình là giảm bớt gánh nặng an sinh vì tình trạng thất nghiệp, giảm việc làm, hay sa thải. Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore khá thấp, ở mức dưới 2% so với mức 2,5% của Nhật Bản hay mức 5,1% của Trung Quốc. Điều này giúp nâng cao tinh thần của người dân nói chung, sự tự tin vào bản thân và độ sẵn sàng đối phó với những rủi ro, bất ổn của thị trường, từ đó tạo ra một xã hội phát triển.
Khắc nhập, khắc xuất hay câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, đóng cửa doanh nghiệp là bình thường, thậm chí là cần thiết trong nền kinh tế thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh. Thậm chí việc cơ cấu lại các cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước để điều hành tốt hơn, phục vụ người dân tốt hơn cũng cần xem là một nhiệm vụ thường xuyên của những người lãnh đạo quốc gia.
Quay lại với việc sáp nhập, củng cố một số cơ quan chính phủ và chấm dứt hoạt động một số cơ quan ở Việt Nam vừa qua, tôi nghĩ là cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên để giải quyết được cả hai nhiệm vụ tinh giản tổ chức, nâng cao hiệu quả công việc song song với phát huy nội lực, và yêu cầu phát triển kinh tế nhưng cân bằng với phát triển cuộc sống tinh thần của người dân, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ bằng biện pháp cụ thể, bắt đầu từ con người. Rất cần một cơ quan chuyên biệt xây dựng và thực hiện công việc không ngừng phát triển con người như chương trình Kỹ năng tương lai của Singapore.
Thay vì hỗ trợ một khoản tiền lớn, đền bù cho người lao động mất việc, rồi kết quả là xã hội vừa mất tiền, vừa mất nguồn nhân lực quý giá, có thể dùng chính số tiền đó để trang bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động, giúp họ sẵn sàng cả tâm thế mất việc vì đã có thể chủ động với các cơ hội nghề nghiệp mới.
Cuối cùng thì hạnh phúc của người dân lao động mới chính là nội lực quan trọng nhất đảm bảo sự đi lên, sự vươn mình của dân tộc.
Michael Nguyễn Minh