Hằng là trường hợp điều trị dài ngày nhất trong số khoảng 2.700 bệnh nhân tại Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175. Chị trải qua 91 ngày chiến đấu bệnh tật, trước khi xuất viện chiều 27/11, trong đó 53 ngày can thiệp ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) - vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19.
"Rất nhiều lúc tôi mơ mơ tỉnh tỉnh, tưởng mình đã không thể vượt qua được. Có ngày tỉnh dậy, mở mắt nhìn ra cửa sổ, thấy từng chiếc lá rơi, tôi nghĩ có khi nào mình cũng sẽ lìa khỏi cuộc đời như vậy không", chị Hằng nhớ lại quãng thời gian điều trị nhiều sóng gió.
Chị phát hiện Covid-19, nhập viện điều trị ngày 11/8, khi đang mang thai 27 tuần. Tình trạng sản phụ nặng dần nên các bác sĩ quyết định mổ sinh ngày 19/8, tại Bệnh viện Trưng Vương. Bệnh nhân sau đó diễn tiến suy hô hấp nguy kịch, không đáp ứng với thở máy, được hội chẩn khẩn với bệnh viện tuyến cuối.
"Ca này đòi hỏi phải can thiệp ECMO, nhưng trong bối cảnh oxy máu rất thấp, đang dùng thuốc vận mạch, nếu chuyển viện lắc lư trên xe cấp cứu cùng với máy thở thì có khả năng ngưng tim ngay", thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) nhận định. Các bác sĩ thống nhất phương án "ECMO mobile" - hình thức ECMO cấp cứu di động trong các tình huống khẩn cấp, can thiệp tại chỗ rồi mới chuyển viện, dành cho người bệnh nặng, nguy kịch, không đáp ứng thở máy nhưng không thể vận chuyển được đến cơ sở y tế tuyến cao hơn.
Khuya 26/8, ê kíp gồm 7 y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 mang theo trang thiết bị, dụng cụ đến Bệnh viện Trưng Vương. Kết nối hệ thống vào cơ thể sản phụ xong, các bác sĩ chuyển cả bệnh nhân lẫn máy móc lên xe cứu thương đưa về Bệnh viện Quân y 175. "Đây là trường hợp ECMO mobile đầu tiên của bệnh viện, đòi hỏi cao hơn so với can thiệp tại chỗ", bác sĩ Ân nói.
Bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng) cho biết thực hiện ECMO ngoại viện thành công, chuyển về đến nơi an toàn mới chỉ bước đầu tiên trong hành trình nhiều gian nan. Sản phụ có tăng huyết áp trước đó, xuất hiện nhiều biến chứng do Covid-19, do can thiệp ECMO kéo dài, đặc biệt là biến chứng rối loạn đông máu, tổn thương phổi lâu hồi phục, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi, sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn bệnh viện, viêm phổi thở máy, nhiễm nấm xâm lấn...
Phụ nữ sau sinh, cơ thể suy yếu là một trong những yếu tố nguy cơ trở nặng của Covid-19. Hậu sản càng làm nặng hơn tình trạng rối loạn đông máu của bệnh Covid-19, gây tắc mạch máu trong cơ thể, đặc biệt là tắc mạch phổi, làm đông đặc phổi rất nghiêm trọng, kéo theo rối loạn các cơ quan, suy đa tạng. Khó khăn nối tiếp khó khăn, đòi hỏi các y bác sĩ phải theo dõi, phối hợp nhiều biện pháp.
"Bệnh nhân phải dùng tất cả những thiết bị máy móc hiện đại nhất của hồi sức, gồm ECMO, lọc máu liên tục, thở máy nâng cao, hệ thống theo dõi huyết động xâm lấn cấp cao, cùng rất nhiều kháng sinh, thuốc đắt tiền", bác sĩ Kháng nói. Quá trình cai thở máy cũng đối diện nhiều khó khăn do bệnh nhân có di chứng co giật não, loạn thần, dễ kích thích sau nhiều ngày dùng thuốc an thần.
Không phụ công chăm sóc của các y bác sĩ, chị Hằng từng bước hồi phục. Dù vẫn còn bước đi chậm rãi do hơi yếu cơ, chị cho biết "rất khỏe, không còn khó thở, hít thở khí trời thoải mái". "Không ít lần tôi nghĩ không thể gặp lại chồng con, gia đình nhưng nhờ sự động viên của y bác sĩ, tôi càng thêm quyết tâm vượt qua những đau đớn giày vò khủng khiếp", chị Hằng nói và cho rằng "có thể trở về từ cõi chết như lần này là một kỳ tích".
Nắm chặt tay dìu vợ rời viện, anh Tân, 35 tuổi không giấu được xúc động trong ngày đoàn tụ. "Gia đình đã trải qua những tháng ngày cuống cuồng lo lắng, nhờ các y bác sĩ tận tâm cứu chữa, vợ tôi đã qua cơn tử nạn", anh Tân nói. Bản thân anh cũng mắc Covid-19 nặng, may mắn hồi phục trước sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Bé trai đầu lòng của anh chị sinh non lúc 28 tuần tuổi, nặng một kg, phải nằm săn sóc đặt biệt hơn một tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Nay bé nặng 5 kg, kháu khỉnh, ăn ngủ giỏi.
Bệnh viện 175 thời gian qua đã cứu sống nhiều sản phụ nguy kịch. Các bác sĩ nơi đây từng có sáng kiến chia sẻ một máy ECMO cho hai sản phụ trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch nên thiếu máy ECMO. Có những bệnh nhân rất nặng, phải mổ bắt con sớm, vừa can thiệp ECMO vừa lọc máu, thời gian nằm viện dài, chi phí rất lớn. Ca điều trị dài ngày có viện phí cao nhất lên hơn 2,9 tỷ đồng. Hiện toàn bộ chi phí điều trị Covid-19 được miễn phí, bệnh nhân trả các khoản điều trị ngoài Covid (như bệnh nền, những can thiệp y khoa...).
Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 thuộc tầng 3 có 500 giường cho bệnh nhân nặng, nguy kịch.