Sản phụ có dấu hiệu phù toàn thân khi mang thai tháng thứ 7, sau đó phù tay, phù mắt. Song, chị ngại, ít đi khám thai do tình hình dịch bệnh căng thẳng.
"Tôi chỉ nghĩ bị phù nề là hiện tượng bình thường ở những tháng cuối thai kỳ, không biết đây là dấu hiệu của tiền sản giật", chị nói.
Đến sáng 21/6, chị có dấu hiệu chuyển dạ, đau đầu, toàn thân phù nề, không phân biệt được sáng tối, người nhà đưa chị đi cấp cứu.
Tại khoa Đẻ, Bệnh viện Sản Nhi, bác sĩ cho biết huyết áp của sản phụ tăng rất cao, mạch nhanh. Mức huyết áp này có thể gây ra sản giật hoặc tai biến mạch máu não. Vì vậy, chị được truyền thuốc hạ huyết áp tích cực theo đường tĩnh mạch, huyết áp giảm từ 240/120 mmHg về 180/110 mmHg song vẫn ở mức cao. Nhóm điều trị chẩn đoán sản phụ bị tiền sản giật nặng gây phù não, phù gai thị, chỉ định mổ cấp cứu lấy thai để cứu tính mạng hai mẹ con.
Bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi, trực tiếp chỉ đạo điều trị, cho biết tiền sản giật nặng rất nguy hiểm với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bệnh có thể khiến hai mẹ con tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Tiền sản giật thường gặp trong ba tháng cuối thai kỳ với dấu hiệu chính gồm phù, tăng huyết áp và protein niệu.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang điều trị cho sản phụ mắc tiền sản giật nặng, phù gai thị gây mất thị lực hoàn toàn, không phân biệt được sáng tối. Bác sĩ phải phẫu thuật lấy thai kịp thời để cứu mẹ và bé.
Chiều 21/6, chị sinh một bé gái nặng 2,4 kg. Bé khóc tốt, hồng hào, khỏe mạnh, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Người mẹ tỉnh vào giờ thứ 5 hậu phẫu tuy nhiên sức khỏe tiếp tục diễn biến xấu, huyết áp vẫn ở mức cao 175/110 mmHg, mắt không nhìn thấy, toàn thân phù to. Chị được điều trị hồi sức tích cực, truyền thuốc hạ huyết áp, chống phù não kết hợp các biện pháp chăm sóc khác.
Sau một ngày, tình trạng của sản phụ tiến triển chậm, tiếp tục điều trị hồi sức tích cực. Đến 24/6, người phụ nữ dần hồi phục thị lực, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tiếp xúc tốt, giảm được 7 kg.
Ngày 1/7, chị đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.
Bác sĩ Tước khuyến cáo phụ nữ mang thai, đặc biệt là người có bệnh thận, tiểu đường, tăng huyết áp, basedow, béo phì, cần quản lý thai nghén tại bệnh viện để phát hiện sớm và điều trị tiền sản giật trong ba tháng cuối thai kỳ. Sản phụ khám thai thường xuyên không chỉ được siêu âm mà còn khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu khi, tư vấn về dinh dưỡng...
Nếu phát hiện bị tiền sản giật hoặc các dấu hiệu bất thường, sản phụ sẽ được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho mẹ và con.
Chi Lê