Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ chẩn đoán tim thai suy, mẹ tiền sản giật, huyết áp tăng cao, chỉ định mổ cấp cứu.Cơn tiền sản giật của người mẹ được kiểm soát, nhưng em bé sinh ra không khóc, trương lực cơ yếu, tím tái, chỉ nặng 1,1 kg.
Các bác sĩ hồi sức tại phòng sinh, em bé có phản xạ tốt hơn, được chuyển lên đơn nguyên sơ sinh điều trị. Bé vẫn trong tình trạng khó thở, thở rên, đùn bọt cua, không có phản xạ bú, được đưa vào lồng ấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, máy theo dõi liên tục.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai, Khoa Nhi, cho biết những ngày đầu bé ăn không tiêu mặc dù chỉ 1 ml sữa bơm qua sonde. Do hoàn cảnh đặc biệt nên mẹ bé gửi lại con cho một người nuôi dưỡng. Sau gần một tháng, bé được đưa ra ngoài, không phải thở máy, chuyển sang thở oxy gọng kính. Em bé ăn uống, tiêu hóa, phản xạ bú tốt hơn. Đến ngày 23/3, bé lên được 1,6 kg, chuẩn bị xuất viện.
Tiền sản giật còn gọi là nhiễm độc thai nghén, tình trạng rối loạn nguy hiểm gặp ở phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Triệu chứng là tăng huyết áp, có đạm trong nước tiểu của thai phụ, phù cơ thể. Cứ 100 người mang thai có 2-8 người mắc tiền sản giật. Mỗi năm, thế giới có hơn 10 triệu ca mắc, 76.000 sản phụ tử vong do bệnh này và các rối loạn cao huyết áp có liên quan.
Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi, làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân, thậm chí không còn cơ hội sống. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng sản giật, sản phụ co giật, mất ý thức, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng. Sau sinh, tiền sản giật có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như tai biến mạch máu não, tổn thương thận nặng, bệnh thận mạn tính...
Bác sĩ cho biết, trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán. Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi.