Bệnh nhân mang thai đôi, biến chứng tiểu đường thai kỳ khi 28 tuần thai, sau khi điều trị ổn định thì không đi kiểm tra sức khỏe. Đến tuần thai 33, chị xuất hiện triệu chứng bất thường mới đi khám.
Bác sĩ Vũ Thị Dung, Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển - Uông Bí, ngày 13/9, cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số mỡ máu cao gấp 5 lần, chỉ số bilirubin toàn phần trong máu cao gấp 10 lần giá trị bình thường và nhiều chỉ số bất thường khác như tiểu cầu rất thấp, "có thể gây tử vong cả sản phụ và thai nhi bất cứ lúc nào".
Kíp bác sĩ phẫu thuật đưa hai bé gái chào đời với cân nặng 2,08 g và 1,78 g. Hiện sức khỏe ba mẹ con ổn định.
Theo bác sĩ Dung, gan nhiễm mỡ thai kỳ là một biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn mang thai, thường xảy ra trong 3 tháng cuối. Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ có tốc độ khởi phát nhanh và diễn tiến nhanh, khi đã xảy ra thì nguy cơ cao tử vong thai phụ và thai nhi.
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Khi đã được chẩn đoán thì chỉ có thể đình chỉ thai kỳ càng sớm càng tốt hoặc tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ.
Để phòng ngừa, thai phụ cần lập kế hoạch điều chỉnh thể trạng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi mang thai như ăn uống điều độ, ăn đúng bữa, đúng giờ, đúng khẩu phần, ăn ít vào buổi tối, hạn chế ăn đêm. Không ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol như các loại phủ tạng và da động vật, lòng đỏ trứng, hạn chế chất béo động vật. Hạn chế dùng cà phê, trà đặc, thuốc lá, rượu, bia và thức uống có cồn. Tăng cường rau xanh, hoa quả, bổ sung vitamin...
Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện để tiêu hao calo và phòng ngừa gan nhiễm mỡ. Lưu ý khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường.
Thùy An