Ampli Ongaku. Ảnh: Forbes |
Ongaku trong tiếng Nhật có nghĩa là âm nhạc. Có lẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều về cặp monoblock Ongaku, bởi các tạp chí âm thanh hàng đầu đã tốn nhiều giấy mực về nó. Đây chính là sản phẩm mang lại tên tuổi và sự nổi tiếng cho Hiroyasu Kondo. Mặc dù sau này, Kondo đưa ra tiếp hai dòng sản phẩm đẳng cấp nữa là Kegon và Neiro, nhưng Ongaku là sản phẩm tâm đắc nhất của ông và gần như nó gắn với cả sự nghiệp của Kondo. Được bán với giá cao hơn nhiều so với thu nhập năm trung bình của một người dân Mỹ, thế nhưng Ongaku luôn là sản phẩm bán chạy nhất của hãng Audio Note Nhật Bản, thậm chí, có thời điểm hãng không thể đáp ứng đủ các đơn đặt hàng.
*Thiết bị âm thanh cho tỷ phú |
*Thiết bị âm thanh cho tỷ phú (2) |
*Thiết bị khuếch đại âm thanh năm 2006 |
Ongaku được chế tạo hoàn toàn thủ công tại xưởng của ANJ. Thiết kế của nó thể hiện toàn bộ quan điểm của Kondo: Chú trọng sự đơn giản nhưng sử dụng linh kiện cao cấp được chọn lọc kỹ lưỡng, khai thác bóng công suất ở đúng chế độ Class A1, không dùng hồi tiếp và đảo pha... Cấu trúc của Ongaku rất đơn giản: Sử dụng bóng 211 ở tầng công suất, tiếp đó dùng bóng 2A3 thúc cho 211 và tầng đầu sử dụng bóng 5687, một loại bóng rất phổ thông. Biến áp xuất âm sử dụng loại lõi thép đặc biệt và cả hai cuộn sơ cấp, thứ cấp đều được quấn hoàn toàn bằng dây bạc bốn số chín được ủ 20 năm. Tụ trong máy là loại tụ bản cực bạc, chế tạo ngay tại phân xưởng Audio Note Nhật Bản. Trở cũng là loại trở tantalum bạc đắt tiền, được sản xuất theo công nghệ độc quyền của Kondo. Dây tín hiệu đi trong máy là loại dây bạc được xoắn kỹ và có tới 5 lớp vật liệu đặc biệt phủ ngoài để chống cháy và hạn chế nhiễu. Duy chỉ có biến áp xuất âm và các cuộn cảm đặt hàng của hãng Tango, cũng là loại chất lượng rất cao.
Ongaku đời mới. Ảnh: Dagogo |
Với công suất ra đạt mức 27 Watt một kênh, Ongaku trở thành đối thủ đáng ngại của bất kỳ cặp loa khó trị nào. Khi nghe Ongaku trình diễn, một màn âm thanh sống động lập tức tràn ngập phòng nghe. Không gian rất rõ ràng, âm thanh uy lực và có độ phân giải cao. Tất nhiên, người nghe khó tính và dân thiết kế chuyên nghiệp vẫn có thể phát hiện vài nhược điểm ở ampli này. Dẫu sao, đây vẫn là chiếc ampli hoàn hảo. Thiết kế của nó về sau đã trở thành một trong những thiết kế kinh điển được dân DIY (tự chế thiết bị âm thanh) ứng dụng nguyên mẫu hoặc cải tiến đôi chút để chế tạo ra chiếc "Ongaku" riêng của mình với giá thành rẻ hơn so với giá bán của hãng.
Sau này, vì một lý do nào đó mà hãng Audio Note Nhật Bản ngừng sản xuất Ongaku. Năm 2003, hãng Audio Note Anh giới thiệu sản phẩm Ongaku New, có cải tiến chút ít so với thiết kế gốc, sử dụng bóng Telefunken 6463 ở tầng lái, bóng Brimar CV4068 ở tầng đầu, dùng tụ Black Gate và biến áp xuất âm lõi 50% Niken. Loạt 15 chiếc Ongaku New được xuất xưởng lần đầu và chào bán với giá "khuyến mại" là 49.500 USD. Sau đó, giá bán được áp dụng đồng loạt toàn cầu cho sản phẩm này là 69.500 USD thấp hơn so với giá 80.000 USD của Ongaku "gốc" trước đây.
Lịch sử thương hiệu
Trong giới chơi âm thanh hi-end, Audio Note là một cái tên rất quen thuộc. Mỗi khi nhắc tới Audio Note, người ta thường liên tưởng tới các sản phẩm âm thanh đẳng cấp và được bán với giá ngất ngưởng. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng thực chất có tới hai hãng Audio Note: Audio Note UK (Anh) và Audio Note Nhật Bản. Các sản phẩm của Audio Note UK thường được gắn nhãn với hai chữ A.N (viết tắt tên hãng). Còn các sản phẩm của Audio Note Nhật Bản thường được lấy tên là Kondo. Mặc dù sau này Audio Note UK cũng có dòng sản phẩm Kondo nhưng thực chất hai hãng Audio Note hoàn toàn không có sự liên hệ gì với nhau. Có chăng chỉ là việc Audio Note UK được công nhận là đại lý phân phối toàn cầu của Audio Note Nhật Bản.
*Thiết bị nguồn âm của năm 2006 |
*5 bước quan trọng DIY ampli đèn |
*Mono ampli Stello M200 |
Audio Note Nhật Bản (ANJ) được thành lập năm 1976. Người sáng lập là kỹ sư Hiroyasu Kondo, một giáo sư điện tử, một nghệ nhân bậc thầy đáng kính trọng và được giới chơi âm thanh ghi nhận như là một trong những người có công lớn trong việc "phục hưng" phong trào chơi bóng đèn điện tử. Kondo cũng người đầu tiên ứng dụng vật liệu bằng bạc trong chế tạo các linh kiện điện tử. Ngay từ thuở hàn vi, khi mới lập công ty Audio Note, Kondo tình cờ đọc được ý tưởng sử dụng vật liệu bạc ở một cuốn sách kỹ thuật. Ông đã lập tức đi mua những đồ trang sức bằng bạc về kéo dây để thử quấn biến áp xuất âm cho ampli đèn. Và ông đã thành công. Kể từ đó, Kondo luôn sử dụng bạc để làm biến áp và chế tạo các tụ điện, điện trở chất lượng cao. Thậm chí, ông còn "ủ" bạc trong căn hầm đặc biệt tới 20 năm để vật liệu này đạt độ "thấu" cần thiết, trước khi đem ra chế tạo linh kiện. Sau này, Kondo và các cộng sự đã phát triển việc sử dụng bạc trong chế tác thiết bị âm thanh thành công nghệ KSL (Kondo' Sound of Lexus) độc quyền của ANJ.
Dưới sự lãnh đạo của Kondo San, ANJ đã tạo dựng được uy tín đáng nể, trở thành một trong những cây "đại thụ" của nền sản xuất thiết bị âm thanh thế giới. Ngày 8/1, Hiroyaso Kondo qua đời, trước đó, ông đã kịp chỉ định Masaki Yshizawa, người cộng sự lâu năm và là kỹ sư thiết kế chính của ANJ, làm chủ tịch Công ty Audio Note Nhật Bản.
Ampli được chế tạo hoàn toàn thủ công. Ảnh: Exoticaudio |
Có thể giữa hai hãng Audio Note Nhật Bản và Audio Note UK đã có sự liên kết nào đó trong việc nhượng quyền thương hiệu. Nếu điều này là đúng thì đây là việc làm hợp qui luật và càng làm tăng sức mạnh của thương hiệu Audio Note.
Tân Huyền