Lần đầu tiên tôi được đi nước ngoài là vào năm 1996. Mọi thứ ở Singapore thuở ấy với tôi đều lạ. Cửa hàng đầu tiên tôi ghé thăm là loại cửa hàng tiện ích bán các đồ thiết yếu và thực phẩm ăn liền, có thêm cả một số báo, tạp chí thông dụng. Cửa hàng thứ hai tôi tới chuyên bán mỹ phẩm, các loại dầu gội, kem dưỡng da. Tôi ước ao, "Việt Nam có loại cửa hàng như này thì tiện biết mấy". Cuối đợt công tác, tôi mua rất nhiều quà từ hai cửa hàng đó về Việt Nam.
Chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá nước Nhật nặng nề, nhưng sau đó nền kinh tế này lại cất cánh kỳ diệu nhờ tư duy cải cách của chính phủ. Thủ tướng Nhật Bản lúc đó, ông Hyato Ikeda, đã ban hành chính sách công nghiệp hóa toàn diện. Các tập đoàn công nghiệp lớn được hình thành dưới sự trợ giúp của chính phủ và hỗ trợ của các ngân hàng. Chính sách mới đã đem lại các tập đoàn Nhật Bản hùng mạnh không chỉ cạnh tranh trong nước mà trên toàn cầu.
Những tên tuổi lớn có thể kể ra như Toyota, Mitsubishi, Hitachi, Nissan, Honda, Denso, Sony... Các công ty Nhật đều tập trung vào quản lý chất lượng và quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Mặt khác, để tránh cuộc suy thoái dầu lửa những năm 1970, nước Nhật có chính sách riêng của mình. Các sản phẩm họ sản xuất đều tiêu tốn ít năng lượng và có giá trị sử dụng cao. Từ đó, chúng đều nổi tiếng với tính kinh tế và chất lượng tốt. Những thương hiệu lớn của Nhật đã trở thành biểu tượng quốc gia hay là các thương hiệu quốc gia. Lời hứa của Nhật Bản với thế giới được đưa ra từ đó.
Việc hình thành những tập đoàn công nghiệp lớn còn tạo ra rào cản tham gia hay thâu tóm thị trường của các công ty nước ngoài. Vì thế mà thị trường tiêu dùng trong nước tăng trưởng cao cùng với xuất khẩu thuận lợi đã đẩy nền kinh tế Nhật bước rất nhanh.
Ở Việt Nam vào năm 2019, ước ao của tôi về những cửa hàng tiện lợi đã lỗi thời. Ngày nay, mỗi góc đường ở Hà Nội hay TP HCM đều có những cửa hàng tiện ích không của hãng này thì hãng khác, nước ngoài và cả thương hiệu Việt. Việt Nam cuối cùng đã mang bóng dáng Singapore thuở nào.
Lộ trình của Việt Nam có nét nào đó hơi tương đồng Nhật Bản, dưới chính sách cởi mở của chính phủ, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang hình thành, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng tăng trưởng. Giờ đây, cuộc chơi bao gồm cả chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vậy nhưng nhìn lại, điều gì đang cản bước chúng ta?
Chính phủ đã tạo hành lang thông thoáng hơn để phát triển kinh tế nhưng việc thực hiện các chính sách đó còn chậm, kém hiệu quả. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, các thủ tục rườm rà, tham nhũng vặt vẫn diễn ra. Các công chức thì đôi khi vận dụng chính sách rất "linh hoạt", những công ty, tập đoàn "thân hữu" thì hưởng lợi rất lớn từ việc dễ dàng tiếp cận các nguồn lực của nhà nước trong khi người thường lại khó bén mảng. Số đông doanh nghiệp Việt lại rơi vào bẫy "không kịp lớn" với quy mô tăng trưởng quá nóng. Cơ hội mở rộng thị trường và quy mô sản xuất khiến cho doanh nghiệp liên tục mở rộng, nhưng bộ máy quản trị không kịp đuổi theo.
Lỗ hổng lớn của lớp quản trị cấp trung là tử huyệt của hầu hết các doanh nghiệp loại này. Các tử huyệt khác là khó tiếp cận với nguồn vốn và thiếu nhân sự chất lượng cao do bị hút vào các doanh nghiệp rất lớn và khối nước ngoài. Tuy đã có những tập đoàn mạnh mẽ bứt lên đi đầu trong nhiều lĩnh vực, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt nhưng số lượng chưa đáng kể. Một số thương hiệu vừa lớn lên một chút đã bị các công ty nước ngoài thôn tính, mua lại một hay toàn phần.
Nếu một ngày có ai đó hỏi, nhà bạn dùng loại kem đánh răng gì thì ngạc nhiên thay, số tên mà bạn có thể liệt kê sẽ không quá số ngón một bàn tay. Tương tự, nếu ai đó hỏi bạn đang dùng loại bột giặt gì, câu trả lời sẽ quanh một hay hai loại. Hỏi bạn dùng loại dầu gội đầu gì thì y như rằng bạn sẽ đang dùng loại giống cả triệu người. Loại mà người ta quảng cáo là như vừa hấp tóc trong tiệm ra trong khi bạn biết thừa rằng tóc, da đầu mỗi người một khác thì đương nhiên phải dùng loại dầu gội tương ứng, chưa kể nếu đã uốn và nhuộm tóc. Đó là vì tôi và bạn, chúng ta tự nguyện làm con cừu cho người khác chăn trong một bầy cừu chỉ tin tưởng vào những thứ người chăn cừu đưa ra.
Đặc tính của cừu là bầy đàn. Khi người chăn cừu hướng đàn chạy về một phía thì cả đàn chạy theo ngoan ngoãn và háo hức. Từ bao năm nay vẫn thế. Các công ty đa quốc gia luôn có đủ nguồn lực và kế sách để chăn dắt các "thượng đế" trở nên trung thành, thành những chú cừu ngoan ngoãn.
Còn chúng ta, đương nhiên không thoát khỏi kiếp cừu nhưng cũng có cơ hội trở thành người chăn cừu trong một bầy cừu khác hoặc chí ít ta cũng có quyền chọn ai là người chăn đàn của mình. Nếu hai thương hiệu, một của Việt Nam một của nước ngoài, cùng phẩm cấp chất lượng và giá cả, ta hãy cho thương hiệu Việt một cơ hội bằng cách chọn họ. Bằng không thì GDP của ta chẳng qua chỉ là một cuốn sổ ghi hộ doanh thu cho các tập đoàn đa quốc gia mà thôi.
Jack Ma đã từng đúc kết một kinh nghiệm xương máu về người phương Đông, đại ý là: sẽ luôn có những người không quan tâm đến chi phí, thời gian và nỗ lực bạn đã bỏ ra. Họ thà để người lạ lừa gạt kiếm chác từ mình còn hơn là ủng hộ những người quen biết.
Nếu ta không ủng hộ các thương hiệu Việt thì không bao giờ họ có thể lớn. Hình thành thương hiệu quốc gia không phải việc riêng của bất cứ ai mà là việc chung của tất cả chúng ta, là công việc của chính phủ, của các doanh nghiệp và ý thức tự tôn dân tộc của người tiêu dùng.
Nếu mỗi mắt xích trên ý thức được sự yếu kém của mình để giải quyết, nếu các công việc phối hợp nhịp nhàng, Việt Nam sẽ là biểu tượng của nền kinh tế mới năng động, một con rồng vươn lên với các sản phẩm sáng tạo nhưng chất lượng. Từ đó mới mong có được lời hứa cho thương hiệu Việt Nam.
Và ta cần lắm một nguồn lực phi thị trường - yếu tố giúp doanh nghiệp vượt bão: Lòng yêu nước.
Phạm Vũ Tùng