"Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch", lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cà Mau nói và cho biết trong vài ngày tới, Sở sẽ tổ chức lễ công nhận quyết định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày 23/12.
Nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ bắt đầu từ tháng 2, được chia thành hai mùa. Mùa ong hạn với số lượng mật nhiều, chất lượng mật tốt. Mùa ong nước bắt đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, đây là giai đoạn cây tràm trổ bông lần thứ hai, mưa nhiều. Riêng kèo ong được làm bằng cây tràm, cây cau hoặc cây đủng đỉnh để khô (dài từ 1,5 đến 2 m), được người dân gác trong rừng tràm cho ong làm tổ.
Còn nghề muối ba khía ở Gạch Gốc có hai cách. Thứ nhất rửa sạch ba khía, phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi cho vào muối. Cách thứ hai, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm giết ba khía, sau 5 đến 7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi, để nguội, rồi pha với đường chảy, bột ngọt, tỏi để muối.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngoài hai nghề trên, tỉnh sẽ lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các di sản gồm: Lễ hội nghinh Ông - Sông Đốc; Lễ hội Đền thờ Vua Hùng; Lễ vía Bà Thủy Long; Lễ vía Bà Thiên Hậu, và nghề truyền thống làm tôm (năm 2020 - 2024).
Để thực hiện kế hoạch, Cà Mau dự chi khoảng 3,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỷ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và còn lại là xã hội hóa.
Hoàng Hạnh