Hàng năm khoảng tháng hai trở đi, người dân ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) lại tất bật chuẩn bị bước vào mùa gác kèo ong. Không chỉ để kiếm tiền, đây còn là mùa để những tay thợ rừng trình diễn tài nghệ và kinh nghiệm của mình so với bạn nghề.
"Ăn ong là nghề ông cha tôi để lại, nó hình thành ngót trăm năm qua ở miệt này. Các con của tôi rồi cũng sẽ tiếp tục bám rừng mà sống", ông Dư Văn Kiến - tay ăn ong (người thợ vào rừng tìm đến tổ ong do chính mình gác kèo để cắt mật) giàu kinh nghiệm ở rừng U Minh Hạ - vừa nói vừa cùng cậu con trai luồn lách vào rừng bắt đầu hành trình một ngày ăn ong.
Ông Kiến khẳng định nghề này không phải ai muốn làm cũng được. Nó đòi hỏi người thợ phải có đầy đủ kinh nghiệm, am hiểu tập tính của đàn ong. Tay nghề hơn thua nhau của cánh thợ rừng là việc chinh phục đàn ong về làm tổ trên kèo (cây để ong làm tổ) của mình và phân định thắng bại dựa vào số lượng mật kiếm được trong mùa.
Con trai lớn ông Kiến có hơn 5 năm theo cha vào rừng cho biết, để có được mùa ong thắng lợi, người thợ rừng phải chuẩn bị các công đoạn hết sức chu đáo. Kèo ong được làm bằng cây tràm, cây cau hoặc cây đủng đỉnh, sau đó phơi khô. Kèo dài từ 1,5 đến 2 m, cách đẽo kèo tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng người thợ mà nó có hình dáng khác nhau.
Người dân U Minh Hạ chia việc ăn ong thành hai mùa. Mùa ong hạn với số lượng mật nhiều, chất lượng mật tốt. Mùa ong nước bắt đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, đây là giai đoạn cây tràm trổ bông lần thứ hai, mưa nhiều.
Ông Kiến cho biết, với kinh nghiệm đi rừng của ông, những đàn ong sẽ chọn điểm có nhiều sậy, cây tràm thấp và trổ bông để làm tổ. Gác kèo ong ở những vị trí như thế là tốt nhất. Người thợ rừng phải gác đầu kèo lên cây tràm cao khỏi đầu người hướng về mặt trời mọc, đầu kia gác với cây nạng sao cho kèo xiên khoảng 45 độ, đủ ánh nắng buổi sáng hoặc chiều chiếu vào.
Theo thợ săn này, con ong rất kén chọn, nó không thích làm tổ ở nơi rợp bóng cây và ở những nơi ẩm thấp bao giờ mật cũng có vị chua. Vì vậy, trong mùa ăn ong, người thợ rừng thu được số lượng mật nhiều hay ít còn phải phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng người. Người có tay nghề cao, khi gác kèo, ong đóng tổ từ 70 đến 90%.
"Thường thời gian để cho ong làm tổ là 40 ngày nhưng có người chỉ mới gác kèo buổi sáng thì buổi chiều nó đã đóng tổ. Bí quyết và kinh nghiệm hơn nhau giữa những người thợ rừng là ở chỗ đó", ông Kiến nói.
Giờ đi ăn ong bắt đầu từ 5 đến 8h sáng, theo giới thợ giải thích, lúc đó, cây còn sương đêm nên khó bắt lửa, nguy cơ cháy rừng được kiểm soát. Họ mang theo đuốc (xơ dừa) để xua đuổi đàn ong, khăn trùm mặt làm bằng lưới lỗ nhỏ để tránh việc bị ong đốt, dao cắt mật, can loại lớn để đựng mật. Khi lấy mật, người thợ chỉ cắt một phần tổ, chừa lại một phần cho ong non phát triển.
Lấy mật xong, thợ rừng rút đi, bầy ong bay trên đầu lại trở về tổ cũ, tiếp tục xây tổ. Đến kỳ, thợ rừng lại đến hun khói lấy mật. Trung bình mỗi kèo ong có thể thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 lít mật, sau đó bầy ong mới bỏ đi.
"Tập quán con ong khi lớn lên là tách đàn và mỗi đàn là một tổ ong mới tiếp tục cho mật. Mật ong rừng tràm tự nhiên ở U Minh là tốt nhất. Đầu mùa mật có màu vàng, gần cuối mùa màu hơi sậm và cuối mùa có màu hơi đen", ông Kiến cho biết.
Tuy nhiên, cánh thợ ăn ong cũng không ít phen chạy "vắt giò lên cổ" do bị "ong đánh", hay khi đối đấu với những con rắn độc ở chốn "rừng thiêng nước độc". Ông Lê Văn Tư, một thợ rừng có hơn 40 năm trong nghề cho biết, việc thợ rừng bị ong đốt vài chục mũi trong ngày là chuyện xảy ra như cơm bữa.
"Có khi gặp đàn ong hung hãn, anh em chúng tôi phải bỏ lại đồ nghề chạy theo hướng ngược gió để lánh nạn. Có lúc mọi người đụng độ heo rừng, rắn hổ mây... Tùy vào trường hợp mà người thợ rừng xử lý theo nhiều cách khác nhau để đảm bảo tính mạng. Do sự nguy hiểm này, nên mỗi nhóm ăn ong thường có từ 3 người trở lên để hỗ trợ cho nhau trong mọi tình huống", ông Tư nói.
Giới thợ rừng khẳng định, tuy kinh nghiệm và bí quyết của từng người khác nhau, không ai chỉ bảo ai nhưng giữa họ có một điểm chung là yêu quý và bảo vệ rừng tràm để cho từng đàn ong về làm tổ, nuôi sống gia đình.
Chính vì điều này mà cánh thợ rừng ở U Minh Hạ đã tập hợp lại thành một nhóm, gọi là tập đoàn phong ngạn. Từng thành viên trong tập đoàn này được phân chia một khu vực rừng để gác kèo ong. Họ có trách nhiệm bảo vệ rừng trên khu vực được giao, không xâm phạm lãnh địa của người khác. Đó là quy định chung của người phong ngạn có từ thời kỳ chống Pháp đến nay.
Bình quân mỗi hộ gác kèo thu được 350 lít mật ong, cá biệt có gia đình thu trên 1.000 lít mật trong một năm, với giá bán mỗi lít mật từ 100.000 - 150.000 đồng. Mật ong U Minh từ lâu trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với nhiều công dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe.
Phúc Hưng