Hai vở kịch Những chấn động còn lại và Biến dạng lần lượt ra mắt cuối tháng 1, đầu tháng 2 là lựa chọn cho những ai yêu chính kịch. Đây đều là những tác phẩm được thực hiện theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hưởng ứng Nghị quyết IV TW Đảng khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Những chấn động còn lại do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện. Vở kịch kể câu chuyện của những người từng là bạn hữu, là đồng chí vào sinh ra tử cùng nhau trong chiến tranh, nhưng ở thời bình lại ở hai thế đối nghịch; những người thuộc phe phản diện thì dùng mưu mô quỷ kế để sát hại người liêm khiết. Mượn câu chuyện xây dựng hồ thủy điện, vở kịch lên án nạn đấu đá chính trị của quan chức, đồng thời gửi gắm niềm tin, hy vọng vào lớp trẻ.
Cũng được đặt hàng thực hiện với đề tài về các vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, Biến dạng lên án nạn tham nhũng. Bằng những mảnh ghép ký ức, hiện tại đan xen của nhân vật chính, tác phẩm chỉ ra những việc làm sai trái, lợi dụng chức quyền để trục lợi của quan tham. Tuy vậy, Biến dạng không lên án bất cứ nhân vật nào, mà tập trung thức tỉnh lương tri của quan chức tham nhũng. Vở diễn do NSƯT Anh Tú dàn dựng, diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện.
Cũng là một tác phẩm của Nhà hát Tuổi Trẻ, nhưng Ai là thủ phạm? lại là điển hình thành công của hình thức xã hội hóa sân khấu. Kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ được dựng lại, với sự đầu tư của một ngân hàng để diễn miễn phí cho 70.000 khán giả. Lấy bối cảnh những năm 1980 khi Hà Nội đang trong thời kỳ bao cấp, vở diễn đề cập đến nhiều vấn đề như nạn tham nhũng, tha hoá cá nhân, đặc biệt nhấn mạnh vào cách dạy dỗ tính trung thực cho thế hệ trẻ. Trong quá trình dàn dựng tác phẩm, NSƯT Chí Trung đã đưa vào nhiều tình huống hài hước, khiến những thông điệp, tính giáo dục của tác phẩm không nặng giáo điều. Vở diễn ra mắt hôm 21/1 và đang diễn miễn phí cho công chúng Hà Nội.
Mai Hắc Đế là vở cải lương được thực hiện theo hình thức nhà nước đầu tư (một nửa) và nguồn xã hội hóa một nửa. Vở do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện, tái hiện hình ảnh Mai Hắc Đế, với âm hưởng hùng tráng từ khí phách nhân vật, hào khí cuộc khởi nghĩa. Kịch bản thơ của Nguyễn Thế Kỷ góp phần tạo tính lãng mạn hòa quyện tính anh hùng cho vở. Mai Hắc Đế đã có ba buổi công diễn tại Hà Nội vào cuối tháng 2. Vở diễn sẽ đến với khán giả Nghệ An vào các ngày 3 và 4/3 nhân kỷ niệm khởi nghĩa Hoan Châu.
Bên cạnh các vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu, sân khấu Hà Nội cũng ra mắt nhiều chương trình dịp đầu năm 2015. Nhà hát Chèo Hà Nội đưa vào biểu diễn chương trình Long thành diễn xướng từ giữa tháng 1. Đây là một chương trình kết hợp hai loại hình nghệ thuật dân gian: chèo cổ và rối nước. Sân khấu được thiết kế đặc biệt với phần trên là sàn gỗ, phần dưới là mặt nước. Ở đó, các nghệ sĩ chèo sẽ trực tiếp điều khiển con rối. Bên cạnh các tiết mục kết hợp giữa chèo và rối nước, chương trình còn biểu diễn các tiết mục chèo đặc sắc như Thị Mầu lên chùa, hát xẩm, chầu văn... Nhà hát Tuổi Trẻ xây dựng chương trình Táo hóng đón xuân gồm chuỗi tiểu phẩm hài và các tiết mục kịch câm, ca nhạc. Táo hóng có năm suất diễn vào các tối từ 24 tới 28/2.
Các vở diễn thuộc nhiều hình thức như kịch nói, cải lương, chèo, hài kịch, rối nước, nhưng được công diễn cùng một thời điểm đã tạo một không khí rộn ràng cho sân khấu Hà Nội dịp đầu năm 2015.
Lam Thu