![]() |
Lựa hàng giá rẻ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM. |
Tuyến đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, quận 1, vốn được xem là thiên đường mua sắm của người sành thời trang, nay càng hấp dẫn bởi những bảng treo “Đại hạ giá”, “Sale off 30-90%”, “Thanh lý hàng tồn kho”. Giá nhiều mặt hàng, đặc biệt hàng thời trang có nhãn hiệu, chỉ còn phân nửa.
Những cửa hàng lớn bố trí hẳn một khu giảm giá được trang trí những con số phần trăm đầy màu sắc, treo lủng lẳng rất bắt mắt như Ninomax, Bossini... Những cửa hàng nhỏ thì dán con số giảm lên ngay cửa chính, hoặc treo những vị trí mà người đi đường dễ thấy nhất.
Lượng người đổ về đường Phan Đình Phùng, Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận... lùng hàng giảm giá cũng đông nghẹt. Quầy hàng giảm giá của Hagatini với đủ chủng loại: áo thun, sơmi, áo len được xếp thành từng chồng, nhiều người nhanh tay lựa hàng. Các cửa hàng giày dép có treo biển giảm giá lượng khách cũng gấp 3-4 lần ngày thường.
Góp phần làm nên không khí mùa giảm giá Sài Gòn là hàng giá rẻ trên vỉa hè. Tính sơ sơ từ chân cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận đã có gần 30 sạp, mặt hàng vô cùng đa dạng: áo quần, giày dép, túi xách đến chăn mền, drap trải giường... Giá được ghi trên những tấm bìa cactông rẻ bất ngờ, từ 20.000-40.000 đồng/món.
Tiền nào của nấy
Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá rất hoành tráng nhưng giá vẫn cao chót vót hoặc chỉ giảm một số mặt hàng nhằm hấp dẫn khách hàng. Tâm lý chung của người mua là đã tấp vào thì cố mua thứ gì dù chưa thật sự có nhu cầu, đặc biệt với hàng giảm giá.
Để bán tháo hàng tồn kho, hàng thiếu size, thậm chí hàng bị lỗi, các cửa hàng tìm mọi cách đẩy hàng đi càng nhiều càng tốt với những chiêu độc: mua 2 đôi giày được tặng một đôi, “mua hai, trả tiền một”.
Khi đặt câu hỏi vì sao hàng này giảm thì người mua hàng đều nhận được câu trả lời “công ty thanh lý hàng tồn kho”, hàng hết size, hàng lỗi mốt, bán tháo để nhập hàng mới… Cơn lốc hàng giảm giá đã làm những người mua sắm tỉnh táo nhất cũng phải “say mèm”.
Chị Thanh, quận Phú Nhuận, kể: “Tôi mua một chiếc túi xách trên đường Trần Huy Liệu, người bán bảo hàng Hong Kong, giảm 50%. Thấy chiếc túi cũng xinh, kỳ kèo mãi tôi cũng được bớt thêm 10.000 đồng, giá còn 165.000 đồng. Về nhà, mới chỉ dùng hai ngày lớp da bọc ngoài túi xách bị rách hết, chỉ cần va chạm nhẹ là tróc ra từng mảng, đứa con gái cười bảo hàng Hong Kong bên hông Chợ Lớn đó mẹ”.
Theo một người làm trong lĩnh vực thời trang, hàng hiệu giảm giá cuối năm chính là lúc nó được đưa về giá trị thật. Thực chất giá của nhiều hàng hiệu không cao ngất như vậy, nên nếu có giảm 50% hay thậm chí 90% thì người kinh doanh cũng không bị lỗ.
Cá biệt, hàng giảm giá rồi nhưng người mua vẫn có thể “thì thầm” với người bán để mua rẻ hơn. Người tiêu dùng cũng cần tinh mắt để không nhầm lẫn giữa hàng kém chất lượng và hàng giảm giá.
Khi kiểm tra chiếc áo gió được bán rẻ trên đường Phan Đình Phùng với giá 40.000 đồng, người mua hàng mới phát hiện túi áo bị rách tả tơi, chưa kể lớp lót trong bị chắp vá đến 3 loại vải khác nhau. Nhiều áo thun gắn mác “hàng công ty tuồn ra” có ống tay áo ngắn hơn mức bình thường, vai áo bị lệch.
(Theo Tuổi Trẻ)