Khoảng 10h sáng 9/5, tiếng còi xe cứu thương rú lên bên ngoài cửa tiếp đón. 27 bệnh nhân dương tính nCoV lần lượt chuyển vào. Tất cả đều là công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Tối cùng ngày, khu cách ly Khoa truyền nhiễm tiếp nhận thêm hai bệnh nhân, tổng 30 người. Ngay lập tức, bệnh viện tăng cường thêm 4 bác sĩ và 10 điều dưỡng, nâng tổng nhân lực điều trị Covid-19 lên 31 người.
Tính đến ngày 17/5, Bắc Giang phát hiện hơn 300 trường hợp dương tính, là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất cả nước trong đợt dịch này. Trong đó, các ổ dịch ở công ty Hosiden Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, đang rất phức tạp, lây lan nhanh. Tình thế nguy cấp, căng như dây đàn.
Chỉ trong vài ngày, bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận hơn 70 bệnh nhân. Các bệnh viện khác cũng liên tục tiếp nhận người bệnh mới. "Lòng tôi ngổn ngang, nhân lực y tế có hạn mà F0 thì tăng lên từng giờ", Thơm nói.
Chị lao vào công việc, đồ bảo hộ trở thành vật bất ly thân, "cảm giác như không lúc nào ngơi chân ngơi tay". Từ sáng sớm, chị đến buồng bệnh mang đồ ăn cho bệnh nhân. Cùng với nhân viên y tế khác, chị đo mạch, nhiệt độ, huyết áp... rồi tổng hợp báo lại cho bác sĩ đồng thời phát thuốc, lấy nước, đồ dùng cá nhân cho người bệnh. Kế đó, chị lên danh sách bữa trưa, bữa tối, những vật dụng bệnh nhân cần rồi liên hệ khoa dinh dưỡng đưa vào, ngoài ra còn nhận đồ người nhà gửi vào cho người bệnh. Đến trưa, chị quay trở lại để phát cơm, đồ dùng cần thiết... Chiều đến lại tiếp tục kiểm tra nhiệt độ, xử trí diễn biến các ca bệnh, nếu có.
Những lúc này, tất cả đều phải làm việc "xoắn hết lên", có khi chẳng ai nói với ai câu gì, chỉ dùng ánh mắt, cử chỉ giao tiếp vì kiệt sức, giọng khàn đặc lại. Giờ nghỉ không cố định, thường tranh thủ vào lúc bệnh nhân dùng bữa, nên chớp nhoáng "có khi chưa kịp ngả lưng đã vực dậy, không biết lúc này là đêm hay ngày nữa".
Hôm 14/5, điều dưỡng Thơm đến buồng bệnh để tiêm cho người bệnh. Vừa bước đến cửa, chị nghe tiếng khóc nức nở của bệnh nhân đang gọi điện cho người nhà, xin lỗi vì lây bệnh cho mọi người. Nữ điều dưỡng chờ cuộc gọi kết thúc mới bước vào. Tay chị vừa lấy thuốc, tiêm truyền, vừa động viên người bệnh về "tình cảnh không ai mong muốn".
Lúc khác, Thơm chứng kiến nhiều hoàn cảnh người bệnh vì Covid-19 mà mỗi người chia cách một nơi. "Đa số bệnh nhân mắc triệu chứng nhẹ nhưng tâm lý diễn biến phức tạp, cần quan tâm nhiều hơn. Biết tin có đồng nghiệp bị hành hung ở khu cách ly, tôi rất chạnh lòng", nữ điều dưỡng giãi bày.
Được phân công phụ trách lĩnh vực truy vết, chị Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên ngày nào cũng làm việc từ tinh mơ đến đêm muộn. Nhiều lúc, chị định phóng xe về nhà tắm giặt, thay đồ nhưng công việc vẫn dở dang nên lấn cấn, không dứt ra được. Từ hôm địa phương liên tiếp ghi nhận các ca dương tính ở khu công nghiệp, giấc ngủ của chị chưa quá 3 tiếng mỗi ngày.
Chị cho biết, số điện thoại của chị được công khai trên trang thông tin của địa phương để nhận phản ánh và hỗ trợ chống dịch. Trung bình mỗi ngày, chị nhận hơn 200 cuộc gọi, đến mức tai nhức, máy nóng bỏng nhưng cứ đặt xuống là chuông reo "đến ám ảnh". Nhiều lúc đang ngủ cũng văng vẳng trong đầu tiếng chuông điện thoại. Người gọi đến có thể là lãnh đạo tỉnh, huyện, đồng nghiệp và cả số lạ của người dân hỏi tình hình.
Công việc quay cuồng, điện thoại cấp trên chỉ đạo liên tục, chị Kim Anh nhiều lúc "vừa khóc vừa làm", nhất là lúc "dội" về thêm vài chục ca dương tính và hàng trăm F1, F2.
Bác sĩ Hoàng Văn Luận, Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế Việt Yên, nói đùa rằng, đợt dịch ập đến khiến mỗi người giảm đi được vài kg. "Ăn uống thất thường, ngủ ít. Có khi ít nữa hết dịch được về nhà, nhiều cán bộ hốc hác đến mức người thân không nhận ra", anh nói.
Mỗi ngày, bác sĩ Luận cùng cán bộ trong khoa xét nghiệm đi lấy mẫu ở khu công nghiệp đến 23h đêm mới nghỉ. Chợp mắt vài tiếng, có khi 2-3 h sáng lại lên đường. Ngày nắng gắt, gió phầm phập, đêm oi bức, ánh sáng mờ mịt, nhưng mọi người vẫn miệt mài làm việc, hạn chế uống nước để tránh lãng phí đồ bảo hộ. Đến khi cởi đồ bảo hộ, mặt ai cũng đỏ rực vết hằn vết khẩu trang, mồ hôi nhễ nhại, vừa đói vừa khát, giấc ngủ trên nên xa xỉ. Thế nhưng, cứ có ca dương tính mới, tất cả lại cấp tốc "vượt nắng, băng đêm" lên đường.
Công việc dồn dập từ sáng đến tối, luôn có nguy cơ trở thành F0, bác sĩ Diêm Đăng Đích, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Việt Yên luôn cố gắng động viên mọi người vững tinh thần. Những cái vỗ vai, gật đầu, hích vai... trở thành "ngôn ngữ" tiếp thêm sức mạnh cho nhân viên y tế. Ai cũng hiểu cuộc chiến này khốc liệt, cần tất cả chung tay, đồng lòng.
"Nhiều đêm tranh thủ chợp mắt vài tiếng mà toàn mơ về quãng thời gian bình yên. Trước đây khi chưa có dịch, nếu không phải tuần trực là tôi đưa vợ và con gái 3 tuổi đi chơi phố huyện rồi", nam trưởng khoa tâm sự. "Nhà chỉ cách bệnh viện chưa đầy một km mà thấy đường về xa quá".
"Chúng tôi gọi đây là những ngày không quên, một phần do diễn biến dịch phức tạp chưa từng thấy, vừa bởi tình người giữa đại dịch", Thơm tiếp lời.
"Chia lửa" với Bắc Giang, ngày 15/5, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chi viện 200 y bác sĩ, thần tốc lấy 11.000 mẫu xét nghiệm chỉ trong 9 giờ. Hôm 16/5, hơn 200 sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và 20 cán bộ, nhân viên y tế ở Hà Nội đã đến Bắc Giang chống dịch.
Bộ Y tế cũng cử đoàn chuyên gia từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Cục y tế Dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Bệnh viện Bạch Mai..."cắm chốt" truy vết, điều trị và hỗ trợ Bắc Giang 4.000 test nhanh để xét nghiệm sàng lọc, chung tay đẩy lùi đại dịch.
Các thành trì chống Covid-19 trở thành tâm dịch. Quỹ Hy vọng Báo VnExpress kết nối các cá nhân và doanh nghiệp cùng tiếp sức cho tuyến đầu. Xem chi tiết tại đây. |
Thùy An