Sân bay St. Helena nằm trên quần đảo xa xôi cùng tên ở phía nam Đại Tây Dương, thuộc lãnh thổ hải ngoại Anh. Tháng 5/2016, hoàng tử Edward, con trai út của nữ hoàng Anh Elizabeth II, cắt băng khánh thành sân bay trị giá gần 400 triệu USD này, theo Associated Press.
Tuy nhiên, trong một lần thử nghiệm, máy bay đã bị ảnh hưởng bởi sức gió mạnh do đường băng được xây trên một ngọn núi cách biển chỉ 300 m. Kể từ thời điểm đó, sân bay không có bất kỳ hoạt động nào và gần như bị bỏ hoang. Người dân đã gọi St. Helena là "sân bay vô dụng nhất thế giới" vì sự cố này.
Sân bay St. Helena có gió lớn khiến máy bay khó hạ cánh. Nguồn: YouTube.
Tuy nhiên, tính từ ngày 14/10, St. Helena đã được nhiều người công nhận là "hết vô dụng", khi nó đón chuyến bay thương mại đầu tiên hạ cánh thành công tại đây. Điều này đồng nghĩa với việc sân bay sẽ chính thức hoạt động và đón ngày càng nhiều các chuyến bay mang du khách đến hòn đảo xa xôi này.
Với người dân trên đảo, đây là một sự kiện quan trọng. Khoảng 100 người đã tập trung ở sân bay để chờ đón chuyến bay thương mại đầu tiên chở 60 khách. Chuyến bay này đến từ Johannesburg, Nam Phi và có thời gian bay 6 tiếng. Trước mắt, sân bay sẽ đón mỗi tuần một chuyến từ Johannesburg tới đây, với chi phí vào khoảng 1.350 USD một vé khứ hồi.
Chuyến bay thương mại chở khách đầu tiên đến St. Helena. Nguồn: Youtube.
Người dân tin tưởng rằng với sự phát triển của dịch vụ hàng không, hàng tuần nơi đây sẽ đón thêm nhiều lượt khách đến nghỉ dưỡng và tăng thu nhập đầu người.
Niall O'Keeffe, phụ trách phát triển kinh tế trên hòn đảo nói với AFP: "Việc sân bay hoạt động sẽ giúp chúng tôi kết nối với thế giới. Nó sẽ mang du khách tới đây và chúng tôi có mức sống tốt hơn".
St. Helena được biết đến là một trong những nơi hấp dẫn nhưng cô lập nhất thế giới, nằm ngoài khơi bờ biển châu Phi. Trước đây, du khách chỉ có thể tiếp cận điểm đến du lịch này bằng thuyền, khởi hành từ Cape Town, Nam Phi và mất khoảng một tuần để đến nơi.
Dù nằm ở vị trí xa xôi, nhưng St. Helena không hề kém nổi tiếng. Nó được biết đến là nơi giam giữ cuối cùng của hoàng đế lưu vong Napoleon. Vì vậy, đây là một địa điểm có tiềm năng du lịch lớn. Hạn chế duy nhất của nó là phương tiện đi lại tới đây khó khăn.
Nguồn thu lớn nhất trên đảo là trồng lanh để sản xuất dây thừng. Tuy nhiên, dân số hơn 4.000 người của hòn đảo vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của chính phủ Anh. Mức lương trung bình mỗi năm của họ là hơn 12.000 USD.