'Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bớt kẹt nếu bỏ một đoạn đường'
Lý do gây ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất
Thống kê cho thấy trong năm 2017, giao thông bên trong và ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã ở ngưỡng ùn tắc giao thông. Với mức tăng trưởng nóng hiện nay, số lượng hành khách đi và đến năm 2017 sẽ là 36 triệu lượt, năm 2020 sẽ là 59 triệu lượt và đến năm 2025 sẽ là 135 triệu lượt (tăng 18%).
Qua khảo sát từ tháng 5/2015 đến nay, những phương tiện chiếm không gian trên đường vào sân bay nhiều nhất là taxi và ô tô cá nhân ở mức 62%. Đây là những phương tiện sử dụng hạ tầng trong và ngoài sân bay một cách lãng phí nhất, chỉ chở trung bình 1,53 người, không kể tài xế. Trong sân bay còn có tình trạng một người đi, đến có ít nhất trên hai người đưa, tiễn.
Số lượng phương tiện đi ngang qua những tuyến chính kết nối sân bay cũng cao gấp 2,6 lần so với số phương tiện đi vào sân bay.
So sánh với một số nước xung quanh, có thể thấy việc tối ưu sử dụng hạ tầng và hiệu quả vận chuyển của phương tiện giao thông ở Việt Nam thấp hơn nhiều.
Singapore có diện tích 719 km2, nhỉnh hơn 1/3 diện tích TP HCM; dân số là 5.470.000 người (62% là dân Singapore và 38% là dân tạm trú), chỉ nhỉnh hơn 1/2 dân số TP HCM kể cả thường trú và tạm trú. Tuy nhiên Singapore có hệ thống đường bộ thuộc hàng tốt nhất thế giới. Xe buýt công cộng lên đến 10.000 chiếc, gấp 3,3 lần số xe buýt của TP HCM, đáp ứng 3,9 triệu lượt nhu cầu đi lại hàng ngày (gấp gần 4 lần TP HCM). Hệ thống vận chuyển hàng không công cộng khác là MRT đáp ứng hơn 2,1 triệu lượt đi lại hàng ngày. Các phương thức giao thông công cộng phi chính quy như taxi khá đắt và khó có thể gọi được trong giờ cao điểm.
Trong khi đó Hong Kong có diện tích 2.754 km2 (bằng 1,31 lần TP HCM), dân số là 7.055.000 người (bằng khoảng 2/3 dân số TP HCM). Hong Kong có tổng số xe buýt lớn là 13.300 chiếc, vận chuyển 3.878.000 lượt/ngày và 4.349 xe buýt nhỏ (dưới 16 chỗ) vận chuyển 1.863.000 lượt /ngày. Tổng cộng hệ thống xe buýt vận chuyển 5.741.000 lượt hành khách/ngày, gần gấp 6 lần TP HCM hiện nay. Bên cạnh đó các phương tiện vận chuyển hàng không công cộng khác như xe buýt hay tàu điện ngầm đã vận chuyển tổng cộng 12,6 triệu lượt/ngày.
Như vậy có thể thấy, chỉ kiểm soát tốt các phương tiện vận chuyển công cộng một cách hợp lý đã giải quyết khá nhiều tình trạng ùn tắc giao thông.
Giao thông thông minh lấy công nghệ dữ liệu làm trọng tâm
Mô hình "Giao thông thông minh" - ITS (Intelligent Transportation System) đã có từ nhiều năm nay ở các nước trên thế giới. Mỗi nước sử dụng các ứng dụng công nghệ khác nhau tùy theo đặc thù giao thông.
Sau khi xem qua nhiều đề xuất về cách giải tỏa ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện giao thông hiện nay, nhóm chúng tôi đã xây dựng một giải pháp "phi công trình" hướng đến mô hình ITS của thế giới, trong đó lấy ứng dụng công nghệ dữ liệu làm trọng tâm. Đây là xu thế tất yếu nếu muốn xây dựng đô thị thông minh và bước vào kỷ nguyên 4.0.
So với các giải pháp công trình hiện có phải tốn kém rất nhiều bởi chi phí mở đường, giải tỏa thì giải pháp này chỉ tốn khoảng 1/20 và hướng tới cách quản lý giao thông hiện đại, giảm tác động môi trường.
Giải pháp này sẽ xử lý dữ liệu ở 6 nội dung chính: khống chế tăng trưởng đi lại đến sân bay Tân Sơn Nhất ở mức 11% từ năm 2018, tối ưu hóa sử dụng hạ tầng trong và ngoài khu vực sân bay, phát triển xe buýt công cộng, buýt hàng không, thiết lập và đấu giá hạn mức cho các phương tiện giao thông công cộng phi chính quy (taxi công nghệ và truyền thống) khi ra vào sân bay, tích hợp công nghệ để kiểm soát hoàn toàn giao thông khu vực sân bay, kế hoạch hóa sử dụng không gian các tuyến bên trong bán kính 1,5 km của sân bay theo thời gian thực.
Giải pháp "phi công trình" ưu thế hơn ở chỗ, các nội dung trên sẽ được xử lý dựa trên tích hợp các ứng dụng công nghệ về dữ liệu. Hàng triệu dữ liệu giao thông hằng ngày sẽ được thu thập và phân tích nhanh gọn với các phần mềm rẻ nhất, tiên tiến nhất và hiện đại nhất để kết nối hạ tầng qua định danh phương tiện.
Các bước tiến hành
Trước hết cần khống chế sự tăng trưởng đi lại đến sân bay TSN xuống 11%, bắt đầu từ năm 2018 phải ở mức 39 triệu lượt đi lại. Con số này vừa phù hợp với quy hoạch 3 nhà ga (50 triệu lượt đi lại vào năm 2020 ) và 4 nhà ga (90 triệu lượt đi lại vào năm 2025).
Bên cạnh đó phải lựa chọn phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn như xe buýt với lộ trình hợp lý và loại bỏ hoàn toàn các phương tiện “vãng lai” như xe ôm, xe máy…ra vào rân bay. Các phương tiện khác như taxi, ô tô cá nhân cũng cần có định mức về số lượng ra vào mỗi ngày.
Ví dụ như hãng hàng không sẽ tổ chức xe buýt vận chuyển bên ngoài vùng bán kính sân bay từ 1,5 -2 km và đưa đón khách theo lịch bay và hạ cánh tại các điểm P&Fs bố trí ở các quận, huyện. Như vậy lượng phương tiện của người đưa tiễn sẽ bị "xóa sổ" trong khu vực sân bay. Các hãng taxi truyền thống và công nghệ sẽ được cấp hạn mức đưa đón khác tùy theo tình trạng sử dụng hạ tầng sân bay. Xe 2 bánh của cư dân và đơn vị trong sân bay sẽ được định danh bằng mã QR miễn phí để đi lại. Xe 2 bánh bên ngoài sẽ không được phép ra vào vành đai và trong sân bay thông qua thiết lập "vành đai số". Xe quá cảnh qua khu vực sẽ được cấp phép tùy theo mức độ sử dụng hạ tầng bằng ứng dụng đi động và tin nhắn SMS.
Công nghệ kết nối sẽ quản lý tất cả những điều trên, như vạn vật kết nối (IOT), mạng lưới cảm biến phương tiện (WSN), robot kết nối hỗ trợ hệ thống( COR), kết nối bằng sóng radio (RFID).. để kiểm soát số lượng phương tiện ra vào vành đai số trên các tuyến trung tâm, cân đối và điều tiết phương tiện trong thời gian thực tế.
Nếu áp dụng ngay từ bây giờ, khả năng giảm ùn tắc của sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2018 sẽ thành hiện thực và cải thiện rõ rệt. Một lợi thế khác của giải pháp "phi công trình" này là hoàn toàn không ảnh hưởng đến giao thông quanh sân bay hiện tại.
Theo tính toán của công cụ dữ liệu cho thấy lượng xe lưu thông bên trong sân bay sẽ chỉ còn chiếm trung bình 46% - 52% mặt đường, bên ngoài sân bay sẽ giảm khoảng 7%. Việc kết nối lịch bay, hành khách, phương tiện, và hãng hàng không cũng sẽ chủ động hơn.
Ngoài ra công nghệ dữ liệu còn cho phép mọi người dân, các ban ngành liên quan có thể giám sát quá trình thực hiện và hiệu quả của nó qua các ứng dụng "bản đồ dữ liệu" (mapping) từ thiết bị di động ở bất kỳ vị trí nào dù ở trong và ngoài khu vực sân bay.