![]() |
Sân bay Long Thành có thể đón máy bay lớn như A380 |
Theo Quyết định số 703 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành và có hiệu lực từ 20/7, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ nằm trên địa phận các xã Long Phước, Bàu Cạn, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu và Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân Long Thành cách sân bay Biên Hòa 32 km, cách Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 43 km, cách trung tâm TP HCM 40 km, cách trung tâm thành phố Biên Hoà 24 km. Long Thành ra đời sẽ hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay Long Thành có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; đón nhận được loại máy bay A380-800 và tương đương, diện tích chiếm đất 5.000 ha. Cảng hàng không sẽ gồm hệ thống 4 đường hạ cất cánh kích thước 4.000 m x 60 m, đường lăn, sân đỗ tàu bay, khu nhà ga hành khách, hàng hóa, hệ thống đường giao thông, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, kho nhiên liệu hàng không, khu quản lý điều hành cảng và các công trình phụ trợ...
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Tiến Sâm đánh giá, quy mô này sẽ đưa Long Thành trở thành sân bay thuộc loại lớn trong khu vực, với kinh phí dự kiến có thể lên tới 7 tỷ USD. Cục Hàng không dân dụng đang làm việc với một số công ty tài chính để thu xếp và gọi vốn đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ sau 2008, nay được ấn định là sau 2010. Trước Long Thành, từ hàng chục năm nay, Việt Nam chưa xây thêm sân bay mới nào. Dự kiến cuối năm 2006, nhà ga T1 Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động với quy mô 15-18 triệu khách/năm.
Song Linh