Báo cáo Chính phủ về tiền độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đặc biệt quan tâm tới tiến độ giải ngân tại dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Dự án này được giao vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng. Theo Nghị quyết 53/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Quốc hội quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Và đầu tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm dự án này mới giải ngân hơn 689,9 tỷ đồng, luỹ kế giải ngân đến nay trên 1.827 tỷ, đạt 10% kế hoạch giao, mức rất thấp so với cam kết của tỉnh Đồng Nai là xong giải phóng mặt bằng và bàn giao đất. Việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các hạng mục thi công tiếp theo của toàn bộ dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Giữa tháng 7, UBND tỉnh Đồng Nai "hứa" với các cấp có thẩm quyền sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810 ha trong năm 2020; tiếp tục kiểm đếm, lập phương án bồi thường khu vực còn lại trong năm 2020 và bàn giao mặt bằng trong quý II/2021.
Tiến độ dự án sân bay Long Thành quá chậm cũng được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu tại cuộc họp giữa Thủ tướng và các địa phương hôm qua (16/7).
Bộ trưởng Thể cho hay, việc phê duyệt, thẩm định dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến nay khoảng 10 tháng là quá lâu. "Đặc điểm của ngành giao thông là không có mặt bằng, chúng tôi không làm được gì cả. Càng chậm sẽ càng khó khăn", ông nói.
Theo ông Thể, Bộ này đã có nhiều cuộc làm việc với các địa phương, đốc thúc việc giải phóng mặt bằng các dự án ngành giao thông. Các Thứ trưởng họp giao ban nửa tháng một lần để xem xét, đôn đốc nhắc nhở việc giải ngân vốn các công trình giao thông. "Chúng tôi đưa ra thông điệp rất rõ là xử lý nghiêm người đứng đầu các Ban nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công", ông Thể nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải "hứa", năm nay sẽ giải ngân hết toàn bộ hơn 29.710 tỷ đồng vốn đầu tư Bộ này được phân giao bằng cách linh động điều chỉnh vốn các dự án.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây theo tiêu chuẩn cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD).
Tháng 11/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một. Tuy nhiên vốn là của nhà đầu tư, Chính phủ không bảo lãnh. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn một gần 111.690 tỷ đồng (khoảng 4,77 tỷ USD).
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết hiện cơ bản xong giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần khoảng 3.437 tỷ đồng, đạt 38,3% kế hoạch.
Trong đó, 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) giải ngân phần giải phóng mặt bằng, xây lắp được 1.014 tỷ đồng, đạt 29,82% kế hoạch.
5 dự án thành phần theo hình thức công tư (PPP) gồm Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, giải ngân đạt 44,36%, tương đương 1.338 tỷ đồng.
Riêng 3 dự án vừa được Quốc hội chấp thuận chuyển hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là tuyến Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, đã chi 1.085 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, đạt 42.48% kế hoạch.
Tiến độ thực hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam được đánh giá "đúng kế hoạch". Ngoài số vốn đã giao kế hoạch năm 2020, dự án này dự kiến cần bổ sung thêm 7.350 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu giải ngân 3 dự án thành phần chuyển từ PPP sang đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội.
Một dự án khác cũng chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư công là dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tổng mức đầu tư trên 4.827 tỷ đồng. Tháng 4, Thủ tướng đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn do dự án này từ nguồn dự phòng chung. Số vốn 3.895 tỷ còn lại, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Hiện Tổng công ty Cửu Long - chủ đầu tư dự án đã thông báo mời thầu và tới 20/8 sẽ có kết quả chọn nhà thầu, ký hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán dự kiến sẽ phê duyệt vào giữa tháng 10 tới.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến khởi công cuối năm 2020, thông xe năm 2022 và hoàn thành toàn bộ vào quý II/2023.
Anh Minh