Thông tin trên được ông Roh Tae-Moon, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, nêu trong buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 5/8. Trên trang chủ của mình, Samsung cũng cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn. Hãng cũng dự kiến khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội vào cuối năm nay hoặc đầu 2023. Đây là trung tâm R&D của cả tập đoàn, đã hoàn thành khoảng 85%.
Theo Nikkei Asia, chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.
Ông Roh Tae-Moon cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 2, Samsung thông báo rót thêm 920 triệu USD vào nhà máy ở Việt Nam.
Trước Samsung, Việt Nam có Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel. Trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có một số đóng góp sáng tạo giúp hãng bù đắp thiếu hụt về chất bán dẫn. Một trong những sáng kiến quan trọng là cải tiến quy trình xử lý chất nền tại nhà máy.
Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress hồi tháng 5, ông Steve Long, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Intel, nhận định: "Việt Nam có khả năng thiết lập cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực chip". Theo ông, môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cùng lực lượng lao động trẻ và tài năng là lý do khiến Việt Nam số lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là tập đoàn công nghệ lớn.
Khương Nha