Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress, ông Steve Long, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Intel, đã chia sẻ về những đóng góp quan trọng của nhà máy tại Việt Nam trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng chip toàn cầu; xu hướng metaverse và tương lai của công nghệ blockchain dưới góc nhìn của nhà sản xuất phần cứng.
Việt Nam đủ khả năng sản xuất hàng công nghệ tiên tiến
Theo ông Steve Long, Việt Nam đã trở thành điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt những tập đoàn công nghệ như Intel. "Môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cùng lực lượng lao động trẻ và tài năng là một số lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn", ông nói.
Ông Long cho rằng việc Intel hiện diện trong lĩnh vực sản xuất cũng góp phần đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ cao. "Việt Nam có khả năng thiết đặt cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến", ông Long khẳng định.
Intel Products Vietnam (IPV) là nhà máy lắp ráp, kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel. Với hơn 2.800 nhân viên và nguồn đầu tư 1,5 tỷ USD, đây là công ty công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Tính đến 2021, IPV vận chuyển hơn ba tỷ sản phẩm đến với khách hàng Intel trên toàn thế giới sau 15 năm hoạt động.
Trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, IPV không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn có nhiều đóng góp sáng tạo giúp hãng bù đắp thiếu hụt về chất bán dẫn. Một trong những sáng kiến quan trọng là cải tiến quy trình xử lý chất nền tại nhà máy lắp ráp và kiểm định.
Theo đại diện Intel, yếu tố căn bản mà hầu như bộ vi xử lý cao cấp trên thế giới đều cần là chất nền vi phim tạo màng từ Ajinomoto (ABF). Trước khi rời nhà máy, chip máy tính được bao phủ giữa một lớp chất nền và một lớp tản nhiệt để định hình một vi xử lý hoàn chỉnh. "Bao bì" này giúp bảo vệ chip và tạo kết nối điện giữa vi xử lý và bo mạch chủ của máy tính. Trong nhiều năm qua, Intel đã gắn những tụ điện nhất định lên một mặt của chất nền, và việc gắn chúng trên bề mặt còn lại phụ thuộc vào nhà cung cấp. Giờ đây, với sáng kiến mới, Intel đã có thể gắn kết những thành phần này lên cả hai mặt của chất nền tại nhà máy Lắp ráp và Kiểm định tại Việt Nam (VNAT).
Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết: "Sáng kiến này giúp Intel hoàn thành quá trình lắp ráp chip nhanh hơn 80% và hỗ trợ những nhà cung cấp chất nền đang đối mặt việc thiếu hụt nguồn cung". Hướng tiếp cận mới của nhà máy Intel Việt Nam giúp hãng bổ sung hàng triệu chip mỗi năm, mở ra triển vọng tăng hơn hai tỷ USD lợi nhuận cho Intel.
Ông Steve Long cho rằng ít nhất đến năm 2024, sự ổn định giữa cung cầu trong chuỗi cung ứng mới có thể được kiểm soát và cơn khát chip toàn cầu sẽ kết thúc.
Tiềm năng của blockchain, metaverse và Web 3.0
Cũng trong cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Intel cho rằng blockchain là công nghệ mang đến tiềm năng tuyệt vời. "Trên một vài phương diện, blockchain là công nghệ có thể thay đổi cách chúng ta lưu trữ, xử lý và giao dịch tài sản kỹ thuật số khi bước vào kỷ nguyên của metaverse và Web 3.0", ông Long nhận định.
Có nhiều cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau về metaverse nhưng theo ông, vũ trụ ảo có thể được mô tả như một dạng Web 3D và nhập vai. Đây là tập hợp các môi trường ảo hoạt động liên tục, nơi người dùng có thể làm việc, giải trí và tương tác. Những không gian và trải nghiệm ảo này có thể được sử dụng để giải trí, chơi game, chăm sóc sức khỏe, cộng tác, tương tác với cộng đồng và hơn thế nữa. Trong khi đó, Web 3.0 là một cấu trúc web phi tập trung, cung cấp nền tảng thiết yếu, hoặc đường ống thông tin cần thiết cho metaverse.
Theo ông Long, hai yếu tố quan trọng của metaverse là tính phổ biến và sự bền bỉ. "Tính phổ biến thể hiện ở việc nó có thể dễ dàng được truy cập bởi tất cả mọi người chứ không chỉ bởi game thủ hay những người đam mê metaverse, và phải có mặt trên mọi loại nền tảng phần cứng - từ thiết bị di động đến PC, VR/AR. Tính bền bỉ thể hiện ở việc cho phép trải nghiệm diễn ra liên tục và không hoạt động theo kiểu bắt đầu/kết thúc khi người dùng cá nhân đi vào/rời khỏi một vị trí đã định", ông giải thích.
Đại diện Intel cho rằng hiện ngành công nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho việc dân chủ hóa việc tạo ra hàng trăm metaverse. Tuy nhiên, các công ty như Intel đang nghiên cứu để mỗi công ty đều có thể tự xây dựng metaverse của riêng mình. Theo đó, các yếu tố nền tảng của metaverse sẽ được tiếp cận theo ba lớp gồm: Lớp "meta intelligence" - mô hình lập trình, các công cụ phần mềm và thư viện mở cho lập trình viên; Lớp "meta ops" - cơ sở hạ tầng cung cấp cho người dùng các tính toán vượt xa những gì họ có trong mạng cục bộ. Cuối cùng, lớp "meta compute" là động lực cần thiết để cung cấp năng lượng cho những trải nghiệm diễn ra trên metaverse.
Theo ông Long, để những công nghệ mới này thật sự bùng nổ, thế giới phải có một cuộc cách mạng cơ sở hạ tầng máy tính. "Có thể sẽ không có một metaverse đơn lẻ nào được xây dựng bởi một công ty duy nhất như chúng ta thấy trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, mà là nhiều metaverses cộng hưởng. Không ai muốn ở trong một metaverse với hệ thống độc quyền và bị khóa", ông lưu ý.
Khương Nha