Khi đất trời Bắc Mỹ co mình trong cái giá rét mùa đông thì bên kia nửa vòng trái đất, Việt Nam quê hương tôi hân hoan đón xuân về. Tôi đang đi trên những con đường Mỹ, đi trên những ngày đông buốt giá của Mỹ mà lòng nhớ Việt Nam khôn nguôi.
Trời mùa đông cây cối trơ cành khô, tuyết rơi phủ trắng xóa những con đường, những mái nhà, cái không khí lạnh lẽo này khiến những người Việt mới sang Mỹ như tôi khao khát một chút gì đó ấm áp của tình thân, của sự đoàn tụ.
Chợt thèm đến nao lòng cảm giác quây quần ấm cúng cùng gia đình và bè bạn trong những ngày cuối năm. Những ngày cuối tháng Chạp như thế này nhắc nhở tôi nhớ quê hương mình nhiều hơn, khi đâu đó trên quê hương tôi mai đào đã khoe sắc.
Đón Tết ở đông bắc Mỹ với đầy tuyết trắng. Ảnh tác giả cung cấp. |
Cuộc sống nơi xứ người dù hối hả đến đâu cũng không cuốn trôi được tình hoài hương trong mỗi con người Việt. Có những điều rất đỗi bình dị nhỏ bé nhưng lại không dễ dàng gì với những người Việt xa quê như tôi. Dù bận rộn bon chen với cuộc sống ngoài kia nhưng sâu thẳm trong tôi luôn có hình ảnh bé nhỏ của một Việt Nam yêu thương.
Tôi đếm ngược từng ngày mong chờ Tết đến và không quên online mỗi ngày để xem bạn bè người thân tôi sắm tết đến đâu để rồi khi chỉ còn lại một mình tôi thấy mình trống trải và cô đơn quá đỗi. Và những lúc như thế tôi thấm thía vô cùng nơi tôi đang sinh sống được gọi bằng hai tiếng “xứ người”, mà xứ người thì thật khó để tận hưởng không khí Tết Việt một cách trọn vẹn.
Tết quê hương trong tôi có những cơn gió mai se lạnh, mơ màng hơi sương, Tết trong tôi là những khúc ca xuân rộn rã được phát trên đài phát thanh của địa phương từ sáng mai đến chiều tối, là được cùng mẹ dọn dẹp trong ngoài, lau chùi bàn thờ ông bà rồi làm mâm cơm cúng tất niên, là được quây quần bên mẹ giúp mẹ lau lá chuối gói bánh tét.
Cứ mỗi lần cả nhà gói bánh, mẹ lại bảo tôi rằng ngày xưa bằng tuổi tôi bây giờ mẹ vừa trông tôi vừa gói bánh rồi, tôi ăn hết bao nhiêu cái bánh tét mẹ gói mà đến cái dây lạt buộc bánh cũng không biết chẻ làm sao. Tôi cười khì khì với mẹ rằng tôi cũng …lăn vào lau lá chuối cho mẹ còn gì.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng háo hức của cô sinh viên xa nhà về ăn Tết quê cùng mẹ, nhớ lời dặn của mẹ tôi phải ngồi vào bàn học ngay sáng mùng một để cả năm học hành chăm chỉ đàng hoàng, tôi không biết mẹ tin điều đó từ đâu nhưng tôi cũng tâm linh lắm, tôi vâng lời ngồi đúng cả tiếng, thế mà suốt cả chục năm liền sáng mùng một nào tôi cũng làm y như thế.
Dường như tôi chưa bao giờ lớn trong mắt mẹ nên năm nào lì xì tôi mẹ cũng bảo “mừng chị hai bớt bé bỏng một tuổi”. Những điều bình dị như thế bi giờ là kỷ niệm và vẫn cứ còn nguyên vẹn trong tôi, là thứ nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên và để tôi hiểu rằng Tết Việt thân thương biết dường nào.
Thế là đúng mười ngày nữa là Tết rồi. Người Việt bên này dù bận rộn đến đâu vẫn không quên sắm sửa cho Tết âm lịch. Đó như là cách mà những Việt kiều bên này thể hiện chút tình hoài hương sâu thẳm trong lòng.
Những ngày cuối năm, cộng đồng người Việt sống gần lại với nhau hơn. Họ gặp gỡ nhau trò chuyện với nhau về tết quê nhà một cách gần gũi ấm cúng. Trong các khu chợ Việt chợ Tàu trên phố Boston, người ta trưng bày đủ loại bánh mứt Tết với nhãn hiệu Made in Việt Nam, không thiếu loại bánh mứt nào.
Tôi đi một vòng các cửa hàng ở khu Chinese downtown này là sắm đủ đầy cho một cái Tết. Cũng có bánh chưng bánh tét, cũng có dưa hành dưa kiệu không khác gì bên Viêt Nam.
Tôi ngạc nhiên vì thấy những chậu mai tươi rói vàng rực bày dọc theo lối vào chợ. Không hiểu sao người ta trồng được hoa mai nở đúng mùa giữa tiết trời lạnh âm mười mấy độ như vậy. Hỏi ra mới biết người ta mang từ Florida lên.
Dường như mọi người đi mua hàng tết đều mang tâm trạng như tôi cả, đi tìm hương vị Tết quê nhà nhiều hơn là đi sắm sửa. Cứ nghe các cô các chị nói chuyện về tết thôi cũng đã thấy ấm lòng rồi, cái ấm của một người con xa xứ.
Tôi kể cho những đứa em tôi nghe về Tết Việt, về văn hóa tết miền Nam và miền Bắc khác nhau thế nào, về những tách trà ấm nồng yêu thương mời ông bà cha mẹ trong buổi sáng đầu năm, về sự khác nhau giữa việc nâng một cốc Hennessy nói “Happy New Year” khác hẳn với việc xoa tách trà nóng trong lòng bàn tay nói lời “Chúc mừng năm mới".
Cuộc sống mỗi nơi mỗi khác kéo theo cách sống của mỗi người khác nhau. Với riêng tôi, những bữa tiệc mâm cao cỗ đầy kia không làm vơi được nỗi nhớ Việt Nam thắt lòng.
Những đứa em họ tôi sinh ra rồi lớn lên ở Mỹ và dường như không thích thú gì mấy khi nghe tôi kể về tết quê hương mình. Mà cũng không trách em được bởi lẽ tết Việt có cái hồn riêng của nó mà chỉ những ai được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam mới thấu hiểu và cảm nhận sự thiêng liêng của nó trọn vẹn mà thôi.
Giữa đất trời tuyết phủ trắng xóa này, nhìn mấy đôi bánh tét trên chiếc xe đẩy ra về, tôi ngậm ngùi không biết ở quê mẹ tôi đã sắm sửa gì cho tết chưa, không biết nhà mình năm nay gói bao nhiêu cái bánh? Đứa em nói một câu Tiếng Việt nửa vời khiến tôi bật cười “ăn cái bánh to này, chắc… bể quần luôn”. “Em phải nói là bể bụng mới đúng. Quần thì chỉ rách thôi chứ không bể” .
Đông bắc Mỹ, tuyết rơi, lạnh lẽo. Tôi thấy mình cô đơn trên những con đường tuyết phủ trắng. Tôi thầm ước có mẹ ở bên nghe tôi kể lể ỉ ôi, để được nghe mẹ hỏi tôi ước mong điều gì trong năm mới và để tôi không phải ngồi một mình nhìn tuyết rơi đón giao thừa.
Mỗi người có những hoài bão ước mơ riêng và nhất là đối với những người trẻ như tôi. Tôi hiểu rằng cái gì cũng có sự đánh đổi. Một năm đã hết và Tết cũng đến, tôi ăn tết một mình. Tôi vẫn bước đi trên những con đường Mỹ để thực hiện ước mơ tôi và hành trang mang theo là một Việt Nam ngọt ngào, đầy yêu thương. Tôi cất thật kĩ. Gọi tên Quê Hương. Nơi đó một ngày không xa, tôi sẽ trở về.
Kiều Vi
Gửi bài dự thi tại đây hoặc xuanquehuongvne@gmail.com
Bấm vào đây để xem thể lệ