Kho tài liệu mật được báo New York Times thu thập được gồm hơn 1.300 báo cáo về thiệt hại sinh mạng dân thường trong các cuộc không kích của Mỹ ở Trung Đông.
Trong bài viết đăng ngày 18/12, tờ báo cho biết các cam kết về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thường xuyên bị bỏ qua. "Không hồ sơ nào được cung cấp phát hiện ra hành vi sai trái hay bị kỷ luật".
Dù một số trường hợp mà New York Times đề cập từng được báo cáo trước đây, cuộc điều tra của họ cho thấy số liệu về thương vong dân thường đã "bị đếm hụt đi đáng kể", ít nhất là vài trăm.
Trong số ba trường hợp được trích dẫn là vụ ném bom ngày 19/7/2016 của lực lượng đặc nhiệm Mỹ vào nơi được cho là sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền bắc Syria. Các báo cáo ban đầu cho biết có 85 chiến bị IS bị tiêu diệt. Tuy nhiên, thực tế, những người thiệt mạng là 120 nông dân và những người dân làng khác.
Theo báo cáo, sai lầm xảy ra dẫn tới thiệt hại cho dân thường bắt nguồn từ những lỗ hổng trong quá trình giám sát.
Gần đây nhất, Mỹ đã phải rút lại tuyên bố rằng máy bay không người lái của họ đã phá hủy một phương tiện chứa bom trên đường phố thủ đô Kabul, Afghanistan, hồi tháng 8. Thực tế, nạn nhân của cuộc không kích là 10 thành viên trong một gia đình, trong đó có cả trẻ em.
Báo cáo cho biết nhiều dân thường sống sót sau các cuộc tấn công của Mỹ bị tàn tật và cần được điều trị tốn kém. Tuy nhiên, các khoản chi trả cho họ rất hạn chế.
Khi được yêu cầu bình luận, Bill Urban, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, nói rằng "ngay cả với công nghệ tốt nhất trên thế giới, những sai lầm vẫn xảy ra, thường do dựa trên thông tin không đầy đủ hoặc hiểu sai thông tin".
"Chúng tôi cố gắng học hỏi từ những sai lầm đó", ông nói thêm. "Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ để tránh những tổn hại như vậy. Chúng tôi điều tra từng trường hợp. Và chúng tôi rất lấy làm tiếc về mỗi trường hợp người vô tội bị thiệt mạng".
Chiến dịch không kích của Mỹ ở Trung Đông đã phát triển nhanh chóng trong những năm cuối chính quyền tổng thống Barack Obama, khi công chúng không còn ủng hộ các cuộc chiến trên bộ.
Obama khẳng định cách tiếp cận mới, thường sử dụng máy bay không người lái điều khiển từ xa, có thể giảm thiểu tử vong cho dân thường nhờ những công nghệ có độ chính xác cao.
Nhưng trong khoảng thời gian 5 năm, các lực lượng Mỹ đã thực hiện hơn 50.000 cuộc không kích ở Afghanistan, Iraq và Syria, với độ chính xác thấp hơn nhiều so với được quảng cáo, báo cáo cho hay.
Trong quá trình hoàn thiện bài viết, New York Times cho biết họ đã "đến thăm hơn 100 địa điểm xảy ra thương vong và phỏng vấn nhiều người dân còn sống sót cùng các quan chức Mỹ cả hiện tại và trước đây".
Tờ báo có được các tài liệu của Lầu Năm Góc thông qua đơn yêu cầu về Tự do Thông tin từ tháng 3/2017 và các đơn kiện đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Trung ương.
Trước khi tiến hành các cuộc không kích, quân đội Mỹ phải thông qua các giao thức phức tạp để ước tính và giảm thiểu thương vong dân thường. Nhưng có nhiều cách khiến thông tin tình báo bị thiếu sót, đôi khi dẫn đến những sai lầm tai hại.
Ví dụ video quay từ trên không không thể cho thấy số người trong các tòa nhà, dưới tán cây hay dưới bạt che. Đôi khi, "những người đi xe máy di chuyển 'theo đội hình', vốn là 'dấu hiệu' cho thấy họ chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công, thực tế chỉ là những người dân lái xe máy thông thường", theo tờ báo.
Theo Urban, các nhà hoạch định không kích luôn cố gắng hết sức trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, ông thêm rằng "với nhiều tình huống chiến đấu, thông tin nhiễu loạn có thể dẫn đến các quyết định gây thiệt hại về dân sự thảm khốc".
Vũ Hoàng (Theo AFP)