"Chúng tôi đang trong trạng thái sẵn sàng nổ ra chiến tranh toàn diện với Mỹ. Hệ thống phòng không tưởng nhầm chiếc máy bay dân dụng là một tên lửa hành trình", tướng Amirali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), giải thích trên truyền hình hôm 11/1 về vụ Iran bắn nhầm chuyến bay số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) làm 176 người thiệt mạng.
Chi tiết về sự việc vẫn chưa rõ ràng, do cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, giới chuyên gia đồng tình rằng các biện pháp đề phòng nhằm ngăn ngừa thảm họa như vậy đều thất bại, cho thấy hàng loạt sai sót đã xảy ra ở mọi cấp quản lý và điều hành tác chiến của quân đội Iran.
"Có hàng loạt vấn đề tiềm tàng trong sự cố này. Nó cho thấy hệ thống điều hành và công nghệ đều thất bại. Đáng lẽ phải có phương pháp ngăn chặn những vụ bắn nhầm", Steven Zaloga, nhà phân tích tên lửa thuộc tập đoàn Teal Group, nhận xét.
Tướng Hajizadeh cho biết vụ bắn nhầm xảy ra khi lực lượng vũ trang Iran đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ, chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng từ Mỹ và "nguy cơ nổ ra chiến tranh cao chưa từng có" kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Quân đội Iran chỉ thông báo máy bay Ukraine bị bắn hạ bởi một tổ hợp phòng không tầm ngắn, trong khi tình báo Mỹ nhận định vũ khí được dùng là tên lửa Tor-M1 do Nga sản xuất.
Tor là hệ thống phòng không tầm ngắn tự hành được Liên Xô phát triển từ năm 1975 và đưa vào biên chế năm 1986, được thiết kế chuyên đánh chặn vũ khí dẫn đường như tên lửa hành trình AGM-86 ALCM của Mỹ trong mọi điều kiện thời tiết và tác chiến, kể cả khi bị đối phương gây nhiễu. Phiên bản Tor-M1 của Iran được nâng cấp đáng kể nhằm tăng độ chính xác.
Hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số giúp tính tự động hóa của Tor cao hơn nhiều so với các hệ thống phòng không trước đó của Liên Xô. Nó có thiết bị nhận diện địch - ta (IFF) và phân loại mối đe dọa hoàn toàn tự động.
Là một hệ thống phòng không tầm ngắn hiệu quả cao, Tor-M1 thường được sử dụng trong các vùng chiến sự, nơi thường không có máy bay dân dụng xuất hiện. Hệ thống IFF của nó chỉ nhận diện được máy bay quân sự thân thiện hay thù địch, nhưng rất khó phân biệt được đâu là máy bay chở khách, tên lửa hành trình hay chiến đấu cơ.
Bởi vậy, các quốc gia vận hành tổ hợp phòng không này thường kết nối Tor với hệ thống chỉ huy phòng không lớn hơn, có khả năng phát hiện và theo dõi máy bay dân sự, theo Zaloga. Trong mạng lưới đó, binh sĩ vận hành tổ hợp Tor sẽ không khai hỏa nếu không nhận được lệnh từ chỉ huy cấp cao hơn.
Với mạng lưới phòng không nhiều lớp này, máy bay Boeing 737-800 của Ukraine rất dễ nhận diện, bởi nó liên tục phát tín hiệu về vị trí của mình tới các radar của cơ quan kiểm soát không lưu và những hệ thống theo dõi hàng không mới nhất dựa trên tín hiệu GPS.
Nhưng Iran dường như đã phạm sai lầm đầu tiên khi bố trí hệ thống Tor-M1 tại căn cứ không quân Mehrabad một cách tách biệt. Một quan chức Iran thừa nhận kíp tên lửa phải hành động độc lập vì liên lạc bị gián đoạn, nhưng không nói rõ nguyên nhân liên lạc giữa các binh sĩ ở đây với cấp trên không thông suốt.
Hệ thống này được bố trí ở ngoại ô thủ đô Tehran, nằm ngay trên đường bay của các phi cơ dân dụng xuất phát từ sân bay quốc tế Imam Khomeini. Tờ Telegraph của Anh cho rằng cách giải thích hợp lý nhất là kíp tên lửa Tor-M1 đã chủ động tắt các hệ thống thông tin liên lạc trên xe, nhằm ngăn các phương tiện tác chiến điện tử của Mỹ phát hiện và tấn công họ.
Hành động này khiến các trắc thủ trên xe Tor-M1 bị hạn chế đáng kể về nhận thức chiến trường tổng quát, cũng như không biết được máy bay dân dụng nào vừa cất cánh ở sân bay gần đó. Trong hoàn cảnh như vậy, những người lính non kinh nghiệm hoặc không được huấn luyện kỹ càng rất dễ phạm sai lầm thảm họa, đặc biệt là khi họ rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ do lo sợ nguy cơ Mỹ tấn công.
"Họ chỉ có 10 giây để quyết định phóng đạn hay không", tướng Hajizadeh cho hay. Trong 10 giây ngắn ngủi đó, hai quả đạn đã được liên tiếp phóng lên, khi đốm sáng của chiếc Boeing 737-800 xuất hiện trên màn hình radar.
Quân đội Iran cho biết các binh sĩ đã nhầm máy bay là "mục tiêu thù địch" do hình dạng, độ cao cũng như phi cơ đột ngột chuyển hướng về phía một căn cứ quân sự. Dù vậy, dữ liệu hành trình trên trang theo dõi FlightRadar24 cho thấy chiếc Boeing 737-800 sử dụng tuyến bay quen thuộc khi rời sân bay quốc tế Imam Khomenei, hai phi cơ khác trước đó cũng có đường bay tương tự.
"Ngay cả khi không nắm rõ hành trình của máy bay chở khách, khẩu đội phòng không cũng phải nhận diện được quỹ đạo bay và tín hiệu radar của nó khác xa tên lửa hành trình hoặc máy bay quân sự Mỹ", Justin Bronk, chuyên gia thuộc Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nhận xét.
Tên lửa hành trình thường bay cách mặt đất hàng chục mét với tốc độ hàng trăm km/h, trong khi chuyến bay PS752 liên tục tăng độ cao tới 2.400 m và chỉ đạt tốc độ không quá 500 km/h trước khi trúng tên lửa.
Vụ bắn nhầm cũng cho thấy nhiều hạn chế với năng lực phòng không của Iran. Nước này từng đạt một số thành công như bắn hạ máy bay không người lái (UAV) RQ-4A BAMS-D trị giá 200 triệu USD của Mỹ, nhưng lưới phòng không Iran vẫn bị coi là lạc hậu và kém hiệu quả.
"Vấn đề có thể nằm ở quy trình huấn luyện, khi binh sĩ Iran nghĩ rằng họ giỏi hơn khả năng thực tế", Zaloga nói.
Nhiều chuyên gia hàng không cũng tỏ ra khó hiểu khi Iran không đóng cửa không phận sau vụ tập kích đáp trả Mỹ và vẫn cho phép máy bay dân sự cất hạ cánh bình thường tại thủ đô Tehran. "Bầu trời Iran khi đó rất nóng bỏng. Mọi người đều căng thẳng do trạng thái báo động cao, xen lẫn với lo lắng và rối loạn. Vậy mà họ vẫn mở cửa không phận, tôi nghĩ đó là sự vô trách nhiệm không thể tin được", tướng James Marks, cựu sĩ quan tình báo lục quân Mỹ, nhận xét.
"Quan chức Iran có thể cho phép hoạt động bay dân sự diễn ra vì chưa muốn thừa nhận đứng sau vụ tập kích căn cứ Mỹ tại Iraq. Điều đó đặt hàng loạt máy bay chở khách vào vòng nguy hiểm", Simon Petersen, giám đốc chương trình tên lửa thuộc tập đoàn quốc phòng Thụy Điển Terma A/S, nêu quan điểm.
Vũ Anh (Theo Bloomberg, Telegraph)