Trên tầng 4 tòa nhà thị chính thành phố Incheon, văn phòng của nhà điều tra dịch tễ học Hàn Quốc Jang Hanaram trông khá chật chội với 6 chiếc bàn làm việc, hai chiếc giường gấp cùng một bàn đầy mỳ gói, nước tăng lực và thuốc hỗ trợ tiêu hóa.
Jang là một trong 6 nhân viên làm việc điên cuồng theo ca 24 giờ không nghỉ tại văn phòng này nhằm truy tìm và liên hệ với các trường hợp có nguy cơ nhiễm Covid-19 ở Incheon, thành phố lớn thứ ba Hàn Quốc, trong bối cảnh đất nước đang trải qua đợt bùng phát lây nhiễm thứ ba lớn nhất từ trước tới nay.
Jang cho hay anh biết sóng lây nhiễm lần này khác với hai lần trước từ đầu tháng 12 khi những tin nhắn màu đỏ báo cáo các trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 bắt đầu dồn dập hiện lên trên màn hình máy tính.
"Tôi đã lo rằng mọi chuyện sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát", anh chia sẻ.
Hàn Quốc từng được quốc tế khen ngợi hồi đầu năm khi nhanh chóng ngăn chặn thành công những đợt bùng phát dịch bệnh bằng cách vận dụng các biện pháp công nghệ cao nhằm truy vết và cô lập nguồn lây, như theo dõi dữ liệu vị trí điện thoại di động, lịch sử sử dụng thẻ tín dụng hay khai thác hình ảnh từ camera an ninh.
Nhưng sau một mùa hè phương pháp tiếp cận của Hàn Quốc được cả thế giới ca ngợi như hình mẫu, giới chức nước này giờ đây thừa nhận thành công của những nỗ lực trước đó đã khiến họ trở nên tự tin quá mức, cuối cùng dẫn tới trở tay không kịp khi sóng lây nhiễm thứ ba tấn công.
Trong 8 cuộc phỏng vấn với Reuters, những người đang chiến đấu trên tuyến đầu chống Covid-19 của Hàn Quốc đã chỉ ra cái mà họ cho là sai lầm nghiêm trọng mà chính phủ phạm phải. Chúng bao gồm không đầu tư đúng mực cho nhân lực và đào tạo cho các chương trình truy vết nguồn lây; không kịp thời huy động các bệnh viện tư nhân nhằm tăng số lượng giường bệnh; các chính sách cách biệt cộng đồng thiếu quyết đoán và chậm chạp trong tiếp cận nguồn vaccine, triển khai tiêm chủng.
Nỗ lực truy vết nguồn lây của Hàn Quốc dựa vào một đội quân gồm các nhân viên y tế công cộng và các bác sĩ nghĩa vụ như Jang, sinh viên vừa tốt nghiệp trường y chấp nhận làm công việc theo dõi nguồn lây thay thế cho nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Jang cho hay thời gian luân chuyển vị trí các bác sĩ nghĩa vụ như anh hay các nhân viên y tế công cộng khác diễn ra quá nhanh, trong khi những người mới lại chưa được đào tạo kỹ lưỡng hoặc thậm chí không được đào tạo.
"Cảm giác mệt mỏi đang gia tăng", anh nói.
So với cuộc khủng hoảng đang bùng phát ở Mỹ hay châu Âu, mức độ nghiêm trọng của đại dịch tại Hàn Quốc chưa thể sánh bằng. Nhưng sóng lây nhiễm hiện nay dai dẳng và lan rộng hơn các đợt bùng phát trước đây rất nhiều, dẫn tới tình trạng số ca tử vong tăng đột biến chưa từng có. Một số bệnh nhân thậm chí chết trước khi nhận được giường bệnh.
"Bất chấp các cảnh báo, tâm lý tự tin và lạc quan thái quá đã hình thành trong tâm trí nhiều người", Lee Jae-myung, thống đốc tỉnh Gyeonggi, khu vực đông dân nhất Hàn Quốc, nhận xét.
Khi được hỏi liệu chính quyền có thực sự tự tin quá mức không, Yoon Tae-ho, tổng giám đốc phụ trách về chính sách y tế công cộng của chính phủ, thừa nhận rằng ở một số khu vực, nhà chức trách nên phản ứng mau lẹ hơn trong việc huy động các nguồn lực y tế khác nhau.
"Chúng tôi rất tiếc khi đáng lẽ phải đi trước một bước nhưng lại bị đại dịch bỏ lại phía sau", ông nói trong một cuộc họp báo ngày 22/12. Tuy nhiên, Lee khẳng định giới chức đang nỗ lực sửa chữa mọi vấn đề và tự tin rằng Hàn Quốc có thể "đánh bại sóng lây nhiễm thứ ba nếu chính phủ, các đội ngũ y tế và người dân đoàn kết".
Không giống với những sóng lây nhiễm trước, nơi ổ dịch chủ yếu bùng lên từ các sự kiện và tổ chức riêng lẻ như nhà thờ hay câu lạc bộ đêm, sóng lây nhiễm hiện nay lại bắt nguồn từ những nơi nhỏ hơn như nhà hàng, văn phòng, khiến việc truy vết trở nên khó khăn hơn. Gần 1/3 các trường hợp nhiễm virus gần đây đều không có nguồn gốc rõ ràng.
Từ khi dịch mới bùng phát đến nay, Hàn Quốc đã tăng số nhân viên điều tra dịch tễ từ 130 lên 305. Để bổ sung thêm nhân lực, chính phủ đã huy động thêm cả các thành viên thuộc lực lượng quân đội và cảnh sát, tuy nhiên việc đào tạo họ sẽ mất nhiều thời gian hơn, theo Yoon.
Lim Seung-kwan, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm ứng phó khẩn cấp với Covid-19 của tỉnh Gyeonggi, cho biết đã đến lúc nhà chức trách cân nhắc giảm quy mô hoạt động truy vết hàng loạt để hỗ trợ các cuộc điều tra dịch tễ học hướng mục tiêu hơn nhằm hiểu rõ những mô hình lây nhiễm cụ thể của virus. Điều này sẽ giúp giải phóng lượng nhân sự được sử dụng cho hoạt động truy vết, điều chuyển họ sang chăm sóc bệnh nhân.
"Có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta bố trí lại những người đã được giao nhiệm vụ xét nghiệm và truy vết", ông nói.
Vì khối lượng công việc quá lớn, Jang cho biết họ đã bắt đầu thu hẹp quy mô truy vết. Ví dụ, họ không còn ghi lại những chuyển động mà mục tiêu chỉ ở một chỗ trong vài phút và có đeo khẩu trang.
Thống đốc tỉnh Gyeonggi Lee Jae-myung đồng tình cho rằng Hàn Quốc giờ đây không còn có thể dựa vào việc truy vết từng trường hợp. Ông kêu gọi áp dụng các biện pháp linh hoạt hơn, như xét nghiệm diện rộng ở những khu vực cụ thể hay sử dụng các kit xét nghiệm ít chính xác nhưng cho kết quả nhanh hơn để sàng lọc trước.
Hàn Quốc chưa bao giờ phong tỏa hoàn toàn. Hồi tháng 11, chính phủ còn thúc đẩy các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích người dân đi lại và du lịch nội địa.
Thủ tướng Hàn Quốc nói rằng áp đặt cách biệt cộng đồng ở mức cao nhất sẽ là biện pháp cuối cùng do lo ngại những tác động của nó đối với nền kinh tế.
Thất vọng vì chính phủ ưu tiên kinh tế hơn ngăn chặn dịch bệnh, Lee và các lãnh đạo của Seoul và Incheon tuần này đã ra quy định nghiêm ngặt hơn về việc tụ tập vào kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới.
Ma Sang-hyuk, phó chủ tịch Hiệp hội Vaccine Hàn Quốc, cho hay tâm lý tự mãn cũng ảnh hưởng đến chính sách vaccine của đất nước. Vì các ca nhiễm mỗi ngày thấp nên chính phủ cảm thấy không cần thiết phải vội vàng.
"Chính phủ nghĩ rằng họ có thể vượt qua đại dịch mà không cần vaccine", ông nói.
Trước sức ép từ dư luận, Tổng thống Moon Jae-in hôm 22/12 hứa chương trình tiêm chủng công cộng sẽ "không bắt đầu quá muộn" và văn phòng của ông nhấn mạnh Hàn Quốc cuối cùng sẽ mua đủ lượng vaccine để tiêm chủng cho 85% dân số.
Theo Lim, chính phủ đáng lẽ cần chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất nhưng lại lơ là điều này. "Chúng ta đều nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn nếu tất cả người dân đều đeo khẩu trang và thực hiện đúng theo những gì ta từng làm", ông nói. "Nhưng suy nghĩ đó khiến nhà chức trách không thể nhận ra lý do họ hành động chậm chạp và liệu có bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ cả thành công lẫn thất bại hay không".
Vũ Hoàng (Theo Reuters)