Vaccine Covid-19 sắp ra mắt nhưng ở hầu hết các nước châu Âu, mùa đông đang đến nhanh hơn. Tại một số nước, các ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh trở lại.
Giới chính trị gia đang nỗ lực tìm ra những biện pháp hạn chế cân bằng để vừa làm phẳng được đường cong lây nhiễm virus, vừa không gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế hay làm phiền lòng những người dân đang mong chờ ngày đoàn tụ gia đình trong kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.
Tuy nhiên, giữa diễn biến phức tạp của đại dịch, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch gần đây nổi lên như ba điểm sáng ở châu Âu. Theo dữ liệu từ Đại học Oxford và Đại học Johns Hopkins, dù ba quốc gia Bắc Âu này áp dụng các biện pháp hạn chế thoải mái nhất châu lục, họ vẫn giữ được tỷ lệ tử vong trung bình do Covid-19 ở mức thấp, dưới một phần triệu, trong thời gian từ 1/9 đến 30/11.
Cả ba nước đều đã phản ứng nhanh chóng dù số ca nhiễm tăng chỉ ở mức nhỏ, giúp họ gần như diệt sạch virus trong mùa hè và đối diện với mùa thu ở vị thế vững vàng hơn, theo giới chuyên gia. Hướng dẫn rõ ràng từ giới chức và tinh thần sẵn sàng tuân thủ của người dân cũng là chìa khóa làm nên thành công. Bên cạnh đó, việc tăng cường xét nghiệm và năng lực truy vết nguồn lây kết hợp với chính sách nghỉ ốm có lương đã giúp khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi địa phương.
Phần Lan là nước có tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 bình quân đầu người thấp nhất châu Âu trong những tháng gần đây. Họ đã kiểm soát được dịch bệnh mà không phải áp dụng các biện pháp giới hạn quá nghiêm ngặt. Việc di chuyển trong nội địa không bị hạn chế, người dân vẫn thể đến trường và nơi làm việc nếu cần và đeo khẩu trang không phải quy định bắt buộc.
"Không có điều gì là kỳ diệu cả", Pekka Nuorti, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Tampere, người đã công tác trong các cơ quan y tế công cộng hơn 25 năm qua, cho hay.
Theo ông, các yếu tố về văn hóa, chính trị và địa lý, như mật độ cư dân thấp, người dân ít đi lại cùng mức độ tin tưởng cao vào chính quyền đóng góp phần nào vào thành công của Phần Lan, song chính nỗ lực của các cơ quan y tế nước này mới là động lực chính làm nên khác biệt.
Trong suốt mùa hè, Phần Lan đã xây dựng thành công một mô hình phòng dịch hiệu quả, gồm các bước: Xét nghiệm, khoanh vùng, truy dấu nguồn lây, cách ly và ngăn chặn các sự kiện siêu lây nhiễm ở cấp độ địa phương.
Số ca xét nghiệm trung bình mỗi ngày tăng gần gấp 4 lần, từ 2.900 mẫu hồi tháng 5 lên 11.300 mẫu vào tháng 8, theo dữ liệu từ Bộ Y tế. Đến cuối tháng 11, các phòng thí nghiệm của Phần Lan có thể thực hiện 23.000 xét nghiệm mỗi ngày, tương đương 90% công suất hiện tại.
Mika Salminen, giám đốc ban an ninh y tế thuộc Viện Sức khỏe và Phúc lợi Phần Lan, cho rằng thành công mà nước này có được là nhờ họ đã dành cả mùa hè để lên phương án ứng phó với sóng bùng dịch mới thay vì phong tỏa. Việc hạn chế di chuyển quốc tế trong hầu hết thời gian mùa hè cũng góp phần giúp Phần Lan thành công trong mùa thu.
Để giúp những người phải tự cách ly và không ra khỏi nhà, chính phủ đã cung cấp những gói hỗ trợ kinh tế quan trọng. Hàng nghìn người nhiễm virus sẵn sàng tự cách ly nhờ chính phủ cam kết bồi thường cho khoản thu nhập bị mất của họ.
Theo Nuorti, Phần Lan trên thực tế cũng có những đợt bùng phát mạnh và các sự kiện siêu lây nhiễm, nhưng chúng đều bị ngăn chặn kịp thời nhờ phản ứng nhanh chóng, quyết liệt của chính quyền địa phương, kết hợp với hỗ trợ tích cực từ chính quyền trung ương.
Tuy nhiên, khi số ca lây nhiễm tăng lên, việc xác định nguồn lây càng trở nên khó khăn hơn. Salminen nhận định nếu tình hình tiếp tục xấu đi, khả năng phong tỏa hoàn toàn vẫn có thể được chính phủ Phần Lan tính đến.
Quốc gia láng giềng Na Uy lại có cách ứng phó với dịch bệnh dựa trên chiến lược tập trung bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Lệnh phong tỏa hồi mùa xuân ở Na Uy được thực hiện nghiêm ngặt nhất ở vùng Scandinavia. Ngành công nghiệp dầu khí của đất nước tạo ra một vùng đệm kinh tế lớn giúp giảm bớt những ảnh hưởng tác động tới túi tiền người dân, nhưng chính phủ lại sớm đối mặt với tình trạng khủng hoảng sức khỏe tâm thần gia tăng và họ phải nhanh chóng thay đổi các hạn chế nhằm thích ứng.
Vào cuối mùa hè, giới chức y tế phát hiện ra gần 40% số ca nhiễm Covid-19 trong tháng 7 là những người nhập cư. Chính phủ Na Uy sau đó cam kết chi khoảng 770.000 USD cho một chiến dịch nâng cao nhận thức về Covid-19 đối với người nhập cư vào đất nước.
Các biện pháp can thiệp cụ thể như vậy dường như đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm trong những cộng đồng này, Jonathan Tritter, giáo sư xã hội học và chính sách tại Đại học Aston, đánh giá.
Theo ba chuyên gia tham gia phỏng vấn với CNN, một yếu tố quan trọng mang đến thành công ban đầu cho Đan Mạch trong cuộc chiến chống đại dịch là chính phủ đã đưa ra thông điệp rõ ràng và mạch lạc về rủi ro mà Covid-19 tạo ra cũng như yêu cầu thay đổi hành vi. Mặt khác, sự tin tưởng giữa người dân và chính phủ giúp nỗ lực phản ứng trở nên hiệu quả hơn.
"Chính phủ có thể kích hoạt nền tảng lòng tin trong người dân nhờ cách truyền thông hiệu quả", Michael Bang Petersen, giáo sư tâm lý chính trị tại Đại học Aarhus, nhận xét.
Theo Petersen, có hai yếu tố quyết định sự sẵn sàng tuân thủ các biện pháp phòng dịch của người dân. Một là liệu họ có lo lắng về khả năng bị nhiễm bệnh không, và hai là liệu họ có biết chính xác những gì cần làm để ngăn dịch bệnh lây lan hay không. Điều này phụ thuộc vào cách tuyên truyền của giới chức y tế và chính trị gia.
"Việc ứng phó với đại dịch hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi con người", Soren Brostrom, tổng giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch, lưu ý. Theo ông, hành vi con người khiến dịch bệnh lây lan nhưng cũng chính nó sẽ ngăn chặn đại dịch nếu giải pháp được đưa ra rõ ràng. Giãn cách vật lý chính là "viên đạn y tế thần kỳ" giúp tiêu diệt dịch bệnh, ông nhấn mạnh.
Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng biện pháp phong tỏa thực sự phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch. Tại Trường Chính sách Blavatnik thuộc Đại học Oxford, các nhà khoa học đã phát triển cái mà họ gọi là Chỉ số Chuỗi, đánh giá 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên những biện pháp hạn chế mà họ đưa ra trên thang điểm 100. Điểm càng cao càng thể hiện các hạn chế nghiêm ngặt.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 7, các chuyên gia tại Đại học Oxford phát hiện ra rằng vào mùa xuân, những nước đạt điểm số cao trên thang điểm Chỉ số Chuỗi có tốc độ gia tăng số ca tử vong hàng ngày chậm hơn. Tuy nhiên, khi người dân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì dịch bệnh, họ trở nên lưỡng lự, miễn cưỡng hơn trong việc tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt mới.
Giãn cách xã hội liên tục không bền vững về lâu dài, theo Brostrom. Một đất nước cần áp dụng những hạn chế vừa đủ để kiểm soát dịch bệnh. "Tôi nghĩ Đan Mạch đã đạt được sự cân bằng khá tốt về khía cạnh này", ông nhận xét.
Song ngay cả tại Đan Mạch, một bước đi sai lầm cũng có thể ảnh hưởng tới lòng tin và sau đó là sự tuân thủ của người dân. Việc chính phủ ra quyết định tiêu hủy chồn nuôi tại các trang trại vì lo sợ loài vật này có thể làm lây lan nCoV sang người là một ví dụ.
Sau khi ra lệnh tiêu hủy hàng triệu con chồn, nhà chức trách mới nhận ra rằng họ không có thẩm quyền hợp pháp để làm như vậy và đã rút lại lệnh. Tuy nhiên, hành động có phần cực đoan của chính phủ đã làm lung lay tinh thần đoàn kết trong người dân, Petersen đánh giá.
"Hiện tại, chúng tôi đang chứng kiến tình trạng phân cực ngày một gia tăng bên cạnh việc người dân ngày càng suy giảm ủng hộ đối với các chiến lược do chính phủ ban hành", ông nói.
Cuối tháng 11, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Đan Mạch đã vượt một phần triệu lần đầu tiên kể từ tháng 5. Hôm 18/12, số ca nhiễm mới vượt 4.000. Đầu tuần trước, chính quyền đã phải nới rộng các biện pháp hạn chế, đồng thời thông báo phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch lây lan.
Vũ Hoàng (Theo CNN)