Tắt tiếng

Tòa nhà Pittman số 22 Gia Long thuộc 13 điểm tập kết của người Mỹ khỏi Sài Gòn trong chiến dịch di tản khẩn cấp “Gió Lốc”, kéo dài 19 giờ - từ trưa 29/4 đến sáng 30/4/1975. Dù Mỹ đã rút quân năm 1973 theo Hiệp định Paris, vẫn còn khoảng 5.000 người ở Sài Gòn. Khi các phương án bằng tàu và máy bay không khả thi, trực thăng trở thành lựa chọn cuối cùng, chở người từ trung tâm thành phố ra tàu Hải quân Mỹ neo ngoài khơi 40 dặm.

4h sáng ngày 30/4/1975, cuộc “tháo chạy” của người Mỹ khỏi Sài Gòn đang ở những giờ cuối cùng. Theo tài liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), mật hiệu cho lệnh di tản khẩn cấp là 30 giây đầu ca khúc “Giáng sinh trắng” (White Christmas), nối sau thông báo “nhiệt độ Sài Gòn là 105 độ F (khoảng 40 độ C) và đang tăng”. Khi nghe thông điệp này trên Đài phát thanh Hoa Kỳ tại Sài Gòn những ngày cuối tháng 4, nhân viên mang giấy tờ tùy thân đến vị trí tập kết gần nhất. 81 trực thăng và 1.000 thuỷ quân lục chiến được huy động để đưa những công dân Mỹ còn lại rời Việt Nam.

Cùng lúc đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh của quân Giải phóng - mở màn ngày 26/4/1975 - cũng bước sang ngày cuối cùng. 5 quân đoàn chủ lực với 15 sư đoàn đã áp sát Sài Gòn, chờ giờ G tiến công vào nội đô, hướng về 5 mục tiêu trọng yếu: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Tư lệnh biệt khu Thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của đại tướng Văn Tiến Dũng đặt mục tiêu nhanh chóng làm sụp đổ bộ máy chính quyền cũ, nhưng hạn chế tối đa tổn thất cho Sài Gòn - thành phố 3,5 triệu dân. Phương án của quân Giải phóng là bao vây, chặn giữ quân Việt Nam Cộng hòa phòng thủ vòng ngoài, không để co cụm vào nội thành, mở đường cho các mũi tiến công chủ lực đánh thẳng vào 5 mục tiêu quan trọng.

Lúc này, nội bộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã rối loạn. 10 ngày cuối cuộc chiến, chính quyền Sài Gòn hai lần thay Tổng thống, người nắm quyền cuối cùng là đại tướng Dương Văn Minh. Một số tướng lĩnh cấp cao cũng sơ tán theo Mỹ, lực lượng dần tan rã, chỉ còn 5 sư đoàn án ngữ ngoại ô, cố thủ bảo vệ trung tâm “đầu não”.

Trong khi nhiều người Mỹ tìm cách rời Sài Gòn, phóng viên NBC News Jim Laurie lại từ Campuchia trở về đây. Lúc đó, Mỹ vừa “rút chân” khỏi Campuchia, mở đầu cho sự kết thúc của người Mỹ trong 20 năm tham chiến ở Đông Dương. Jim là phóng viên truyền hình Mỹ duy nhất quyết định ở lại vì muốn nhìn thấy “cái kết của cuộc chiến dài đằng đẵng”.

Ông hồi tưởng, Sài Gòn những ngày đó bao trùm bởi bầu không khí hoảng sợ. Khắp nơi rộ lên tin đồn các cô gái trẻ miền Nam sẽ bị ép gả cho thương binh, hay nếu sơn móng tay sẽ bị quân Giải phóng nhổ ra.

“Những tin đồn thất thiệt khiến người dân sợ hãi về chiến thắng của quân Giải phóng”, ông kể.

Hai ngày cuối, số người tràn đến Đại sứ quán Mỹ ngày càng đông, nhất là lúc lệnh di tản khẩn cấp được kích hoạt trưa ngày 29/4/1975, dù ít ai dám chắc mật hiệu “Giáng sinh trắng” đã được phát đi. Đêm đó, khuôn viên Đại sứ quán được thắp sáng bởi đèn pha ôtô và náo động vì tiếng trực thăng lên xuống. Mỗi chiếc chỉ chở được tối đa 40 đến 70 người, nhưng phần lớn trong số đó quá tải.

Trong hồi ký về cuộc chiến, nhiều nhân viên quân sự Mỹ không quên được cảnh tượng từ trực thăng nhìn xuống thấy ánh đèn của các đoàn xe quân Giải phóng tiến vào thành phố, chỉ còn cách Sài Gòn 10 - 20 km. Trên mũ, tay áo, báng súng của nhiều người lính ghi “lời hịch”: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Đại sứ Mỹ Graham Martin bước lên trực thăng mang bí hiệu Lady Ace 09, rời Sài Gòn với quốc kỳ gấp gọn trong túi xách, khép lại hai thập kỷ người Mỹ can dự vào Việt Nam, cùng 5 đời Tổng thống. Trước khi rời đi, Trưởng văn phòng CIA tại Sài Gòn Thomas Polgar gửi đi bức điện cuối về Mỹ: “Đây là một cuộc chiến dài và khó khăn và chúng ta đã thua”. Cuộc chiến tiêu tốn 679 tỷ đô của Mỹ.

Chiếc trực thăng cuối cùng trên nóc Đại sứ quán Mỹ cất cánh, mang theo 11 lính thủy quân lục chiến còn lại. Chiến dịch “Gió Lốc” kết thúc, đồng thời chính thức “khép lại một chương kinh nghiệm của người Mỹ”, theo tổng kết sau đó của Tổng thống Mỹ thứ 38 Gerald R. Ford.

Jim Laurie cùng đồng nghiệp đến kịp lúc chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội Mỹ cất cánh, bỏ lại đám đông thất vọng và giận dữ. Giới chức Mỹ đánh giá đây là một trong những cuộc di tản bằng không vận lớn nhất lịch sử, còn nhà báo Jim gọi đó là sự hỗn loạn.

“Thực sự là một khung cảnh hoảng loạn. Một số người Việt Nam cảm giác bị phản bội, bị Mỹ bỏ lại phía sau”, ông nói.

Trước giờ toàn thắng

Sáng 30/4, trên đường trở về từ chuyến tác nghiệp tại Đồng Nai, ông Hoàng Văn Cường, phóng viên ảnh hãng tin tức Mỹ UPI, bắt gặp một đoàn xe quân Giải phóng ở ngã ba Vũng Tàu.

Những người lính với khuôn mặt bám bụi ngồi trên xe tăng hằn vết đất đỏ, được ngụy trang bằng lá cây, đón ông bằng nụ cười. Chiếc áo khoác và băng tay in chữ báo chí cùng tên tổ chức thông tấn, tạo cơ hội cho ông đồng hành cùng họ trên chặng đường tiến vào Sài Gòn.

“Dù trận chiến vẫn chưa kết thúc và mình có thể gặp nguy hiểm tính mạng. Nhưng thực sự lúc đó không biết động lực nào đẩy vào, mình không sợ nữa”, ông kể.

Trong hồi ức của nhiều nhân chứng có mặt ở Sài Gòn thời điểm đó, buổi sáng 30/4/1975, thành phố chìm trong im lặng. Các cánh cửa đóng im lìm, rất ít người dân ra đường. Ngoại trừ Đại sứ quán Mỹ - nơi còn hơn 400 người chờ được di tản, hầu hết con đường lác đác người qua lại.

8h sáng 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các họp bàn, đơn phương ra tuyên bố ngừng bắn, “yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó”. Tuyên bố này được thông báo trên Đài phát thanh Sài Gòn 1,5 giờ sau đó.

Lúc này, những mũi xung kích của quân Giải phóng đã ở trước cửa ngõ Sài Gòn. Sau thông báo đầu hàng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh soạn thảo mệnh lệnh gửi các đơn vị ngoài trận địa “tiếp tục tiến công thật nhanh vào mục tiêu đã quy định”.

Cùng lúc đó, quần chúng Sài Gòn tại hơn 100 địa điểm ở nội và ngoại thành đồng loạt nổi dậy. Dưới sự phát động của lực lượng cách mạng tại chỗ, nhân dân hưởng ứng, đứng lên giành chính quyền, làm tan rã các chốt nhỏ lẻ, chiếm và bảo vệ cơ sở kinh tế, kêu gọi lính Việt Nam Cộng hòa ra hàng, tịch thu vũ khí.

Map
Marker 1
Marker 2
Marker 3
Marker 5
Marker 6

Từ ban công khách sạn Caravelle, Jim bấm vội bức hình những chiếc xe tăng sơn ngôi sao vàng lướt qua “trong ánh mắt ngỡ ngàng của người Sài Gòn”. Ông chạy ngay về văn phòng NBC News cách đó vài dãy nhà và kịp gửi đi bản tin cuối cùng về phút cuối của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trước khi bị tạm ngắt sóng. Đó là lúc ông nhận ra cuộc chiến kéo dài 30 năm đã kết thúc.

“Bất ngờ lớn nhất với tôi là những khuôn mặt trẻ măng của bộ đội. Họ chừng 18-19 tuổi, không ai chĩa súng đe dọa mà trông rất vui và thân thiện, xen lẫn sự ngạc nhiên”, Jim Laurie kể.

Hai chiếc xe tăng đầu tiên của quân Giải phóng dừng lại trước cổng Dinh Độc Lập. Xe tăng 843 húc vào cổng phụ nhưng mắc kẹt, sau đó chiếc 390 hất tung cổng chính. Lần lượt từng chiếc lăn bánh vào trong. Theo sau, đoàn ôtô, xe bọc thép chở bộ binh cũng vừa đến, họ hướng súng bắn chỉ thiên lên trời, mừng chiến thắng - theo hồi ký của các nhân chứng có mặt ở Dinh thời điểm đó.

Sau khi nghe tuyên bố ngừng bắn của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh, từ cơ sở nổi dậy của sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh, ông Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963 - 1964), chạy đến Dinh Độc Lập trước lúc đoàn xe tăng lao đến.

Từ trên xe tăng, một chiến sĩ Giải phóng cầm cờ nhảy xuống, hỏi lối lên nóc Dinh, ông Thái là một trong hai người dẫn đường. Phải mất một thời gian, ba người mới hạ được cờ của Việt Nam Cộng hòa, thay bằng lá cờ xanh đỏ với ngôi sao vàng ở giữa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Nhìn lá cờ Giải phóng phấp phới trong nắng Sài Gòn, ông Thái rơi nước mắt.

Đất nước cuối cùng đã im tiếng súng, hòa bình trọn vẹn, chấm dứt 117 năm đô hộ của phương Tây, kể từ khi quân Pháp đổ bộ lên Việt Nam năm 1858.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đáp lại đề nghị “bàn giao chính quyền cho cách mạng” của Tổng thống Dương Văn Minh, Chính ủy Bùi Tùng, đại diện quân Giải phóng có mặt lúc đó nói: “Các ông không có gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện”.

Ông Nguyễn Hữu Thái kể lại khoảnh khắc treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập

Cùng thời điểm, quân Giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự cách mạng ở trại Davis đóng quân trong sân bay từ năm 1973 theo Hiệp định Paris. Các cánh quân khác cũng tiến chiếm thành công những mục tiêu quan trọng còn lại.

Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, đất nước hoàn toàn thống nhất. 5 cánh quân hợp điểm giữa Sài Gòn, làm chủ các cơ quan đầu não của đối phương, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.

Tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu và lời chấp nhận của đại diện quân Giải phóng (từ giây 53) - trong chương trình phát thanh ngày 30/4/1975.

Tại Sở Chỉ huy mặt trận, cách Sài Gòn 80 km, đại tướng Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh, chiến sĩ vây quanh máy thu thanh nghe bản tin đầu hàng.

“Toàn thắng! Chúng ta toàn thắng rồi” - tướng Dũng cùng các đồng chí reo lên, ôm nhau xúc động. “Cái giây phút lịch sử thiêng liêng này, sảng khoái và hả hê này, cả một đời người, cả nhiều đời người mới có”, ông thuật lại trong hồi ký.

Cùng lúc đó, điện của Bộ Chính trị từ Thủ đô vừa gửi đến chúc mừng đại thắng. Cuộc chiến dài đẵng đẵng khép lại, chấm dứt 30 năm chia cắt hai miền. Tại Hà Nội, tin chiến thắng phát đi trên Đài tiếng nói Việt Nam, người dân đốt pháo, tung hoa, vẫy cờ, mừng hòa bình.

“Ở Sài Gòn, các cánh cửa mở tung, dân chúng bắt đầu đổ ra đường, nỗi sợ được xóa bỏ”, ông Nguyễn Hữu Thái kể lại.

Khi “mùi chiến tranh” kết thúc

Sau bản tin đầu hàng, chương trình phát thanh được ông Thái tiếp tục điều hành với lời phát biểu của nhiều tầng lớp, kêu gọi công nhân, nhân viên quay về nhà máy, nhiệm sở, đời sống Sài Gòn trở lại bình thường.

Tại Đài phát thanh lúc đó tập trung nhiều sinh viên, thanh niên. Trong đám đông khi ấy còn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Thái mời người nhạc sĩ gốc Huế lên phát biểu. Sau lời chia sẻ “hôm nay thực sự là cái ngày vòng tay lớn đã được nối kết”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất giọng hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn. Không có đàn, ông Thái cùng mọi người đứng vây xung quanh vỗ tay, gõ nhịp cùng hòa giọng.

Ông Nguyễn Hữu Thái kể về khoảnh khắc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng người dân Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn

Chiều hôm đó, khắp thành phố chỉ còn vài cuộc đụng độ lẻ tẻ nhưng nhanh chóng được dập tắt, dấu vết ít ỏi của cuộc chiến hiện diện qua những xác máy bay đối phương bỏ lại trong quá trình di tản.

Jim và đồng nghiệp lần đầu tiên được trải nghiệm đi tuần tra cùng bộ đội. Họ men theo các cung đường trong nội đô tìm những người của phía bên kia còn ẩn náu. Hiếm có tiếng súng nổ hay đổ máu, quá trình chuyển giao quyền lực ở Sài Gòn diễn ra yên bình.

Cùng thời điểm, nhà báo Hoàng Văn Cường leo lên một chiếc xe tăng rong ruổi cùng các chiến sĩ cách mạng quanh thành phố. Hai bên đường, người dân vẫy tay chào những người lính áo xanh, đầu đội mũ cối. Người Sài Gòn và bộ đội bắt đầu làm quen nhau.

17h ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn ngưng tiếng súng. Thành phố hơn 3,5 triệu dân trải qua cuộc chiến tranh 30 năm.

Trong cuộc nói chuyện với nội các Dương Văn Minh hai ngày sau đó, thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định nói: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”.

Kết thúc ngày tác nghiệp lịch sử, ông Cường buồn vui lẫn lộn - hạnh phúc vì đất nước thống nhất, nhưng lòng gợn buồn khi bạn bè, gia đình chia ngả. Dù vậy, với ông điều thiêng liêng nhất là “toàn dân được hưởng thanh bình”.

“Mùi chiến tranh không còn nữa, súng đạn không còn nữa, sung sướng lắm, hạnh phúc lắm”, ông nói trong tiếng khóc. 

Tối hôm đó, lần đầu tiên ông Thái về nhà sau một tháng phải ở ẩn do hoạt động cách mạng. Ngước mắt nhìn bầu trời đã im tiếng đạn và tiếng máy bay, trên đường không còn bóng xe quân sự “chạy tới lui”, ông mới thấy “thấm thía giá trị của hòa bình”. 

Kể từ năm 1979, gần như năm nào nhà báo Jim Laurie cũng trở lại Việt Nam và ghé thăm Sài Gòn. Thành phố này gắn với ký ức tuổi trẻ của ông và những năm đầu theo nghề báo. Theo sát từng dấu mốc của thành phố cũng như Việt Nam, ông ngạc nhiên trước sự đổi thay của đất nước hình chữ S.

“Sài Gòn giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị lớn và là một thành phố hoàn toàn mới. Tôi không thể hình dung được nơi này lại thay đổi nhanh như vậy sau 50 năm”, ông nói.

Nội dung: Mây Trinh

Video: Công Khang

Đồ họa: Hoàng Khánh - Thanh Hạ - Quang Tuệ

Tổng hợp nguồn tham khảo: