Một phi công Việt Nam Cộng hoà đã hạ cánh máy bay chiến đấu F-5 trên đường băng và bỏ lại phương tiện trong khi máy vẫn chạy. Một chiếc xe jeep toàn lính Việt Nam Cộng hoà cố chạy tới một chiếc máy bay trước khi nó cất cánh.
"Có khoảng 3.000 thường dân rất lo lắng đang ở đường băng", tướng Homar Smith báo cáo. "Tình hình có vẻ như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát".
Trực thăng đưa người khỏi Sài Gòn. |
Graham Martin ngồi một mình trong phòng làm việc, nhìn thấy cây đổ và nghe thấy tiếng trưởng văn phòng CIA thét ở ngoài sân. Khi Kissinger gọi điện thoại ngay sau đó để thông báo ý của Tổng thống Ford là đại sứ Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng về chuyện di tản, ông lắng nghe giọng mệt mỏi, kiệt sức và ốm yếu của Graham Martin một cách kiên nhẫn.
10h43': Lệnh tiến hành "Option Four" (di tản bằng đường biển và đường không) được đưa ra. Tuy nhiên, Martin vẫn tin chắc rằng vẫn "còn thời gian" để đàm phán và có một "giải pháp danh dự".
Khách sạn Caravelle trống trải. Không ai nói gì với tôi hết. Bing Crosby không hát trên đài phát thanh. Những căn phòng lộn xộn những quần áo, giấy tờ, bàn chải đánh răng. Tôi chạy về phòng, thu thập máy đánh chữ, radio và những mẩu giấy ghi chú, tống tất cả vào một chiếc túi nhỏ. Số vật dụng khác thì tôi bỏ lại. Hai nhân viên phục vụ phòng tới và nhìn tôi vội vã thu dọn. Họ sửng sốt và hơi sợ một chút. Một người hỏi: "Ông sắp đi à?". Tôi trả lời là đúng vậy. Anh ta cho biết: "Nhưng đồ giặt khô của ông sẽ không được trả trước tối nay". Tôi cố gắng không nhìn anh ta. "Anh hãy giữ lại, bất kỳ thứ gì mà anh thấy". Tôi cho họ vài đồng bạc, tôi hiểu rằng mình đang mua sự chiều khách trong lúc phải ra đi. Sau 9 năm, cách ra đi này mới khổ sở làm sao.
Bên ngoài, Công trường Lam Sơn trống trải, chỉ có vài binh lính Việt Nam Cộng hoà đi lại chán nản. Một người trong số này đi nhanh lên đại lộ Tự Do, thét vào mặt tôi. Anh ta say xỉn. Anh ta lấy súng lục, ngắm bắn, chọn mục tiêu và bóp cò. Viên đạn sượt qua đầu tôi trong khi tôi chạy.
Người dân xô đẩy, cố gắng vượt qua bức tường để vào trong sứ quán Mỹ. |
Một đám đông chen lấn ở trước cửa sứ quán Mỹ. Một số người có mặt ở đây chỉ vì tò mò; một số khác ôm chặt cánh cổng sắt, vừa nài xin viên lính thuỷ đánh bộ cho vào, vừa giơ ra những văn bản được niêm phong và những lá thư từ các quan chức Mỹ. Một ông già có lá thư của một trung uý mà cách đó một thời gian dài đã quản lý quán bar tại câu lạc bộ sĩ quan Không lực tại Pleiku. Người đàn ông đó rửa bát ở câu lạc bộ, và lá thư đề ngày 5/6/1967 ghi: "Ông Nhạ, người đem bức thư này, đã trung thành phục vụ sự nghiệp tự do của Việt Nam Cộng hoà". Ông Nhạ cũng đưa ra một món đồ chơi là ngôi sao Texas Ranger mà một trong các phi công ở Texas đã tặng. Ông ta giơ lá thư và ngôi sao, nói với viên lính thủy đánh bộ đang thét lên với đám đông là "Đừng lo lắng!". Những người làm việc cho Mỹ từng được khuyên là nên sợ Cộng sản, bây giờ thì lại được bảo là không nên lo.
Người đàn ông già tìm cách lách qua khe cửa nhưng bị viên lính đẩy ngã xuống đất. Ông ta đứng dậy, cố một lần nữa và bị viên lính thứ hai đẩy ra ngoài bằng súng trường, ném mạnh ngôi sao Texas Ranger vào đám đông. Tôi cảm thấy hổ thẹn khi cố gắng vượt qua đám đông, dùng sức đẩy những người khác ra.
Bên trong sứ quán, những viên lính thuỷ đánh bộ đứng quanh gốc cây me vừa bị đốn. "Chúng ta sẽ làm gì với cái đồ của nợ bất động to đùng này nhỉ?", một sĩ quan nói vào bộ đàm. "Thoải mái đi, Jed", giọng từ đầu bộ đàm bên kia trả lời. "Hãy cưa bớt đi ít nhất là 30 cm nữa, để có thêm chỗ cho cánh quạt. Và Jed, nhớ là dọn sạch chỗ vỏ bào vì nếu không thì động cơ sẽ hút vào và gặp trục trặc". Các binh lính dùng cưa cưa bớt gốc cây me. Họ tức điên vì việc đốn cây trở thành trò cười với những người cả ở trong và ngoài sứ quán, với những binh lính gác cổng sứ quán Pháp ở bên cạnh.
Tục ngữ Việt Nam có câu "Cháy nhà mới ra mặt chuột". Phan Quang Đán, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng phụ trách an sinh xã hội và giải pháp tị nạn, đi cùng vợ vào sứ quán. Đi cùng họ là những người thân - số lượng tương đương một trung đội.
Trong số những người sắp di tản còn có các thanh niên ở độ tuổi đi quân dịch nhưng cha mẹ giàu có đã hối lộ những khoản tiền lớn để họ không vào quân đội. Dù vẫn có tên trong danh sách của một đơn vị nào đó, nhưng họ chưa bao giờ ra chiến trường. Họ có cuộc sống phong lưu ở Sài Gòn: đi uống cà phê, cưỡi xe Honda, đi bể bơi trong khi con trai nhà nghèo phải tham gia quân đội Việt Nam Cộng hoà, bỏ mạng ở Quảng Trị, An Lộc...
"Nhìn này, tôi đây... Cho tôi vào đi, cảm ơn rất nhiều... xin chào, tôi đây". Giọng nói chói tai vang lên từ cuối đám đông bên ngoài cánh cổng là của trung tướng Đặng Văn Quang. Viên lính thuỷ đánh bộ có danh sách những người được vào, và tướng Quang ở trong số đó. Hết sức cẩn thận, viên gác cổng giúp ông này (thuộc diện béo mập) vào. Viên tướng thở ra một hơi khi vào đến nơi. Cậu con trai 20 tuổi của ông ta đang vùng vẫy vô vọng trong đám đông. Hai túi đầy chặt đôla ở túi ngực áo của tướng Quang khiến chiếc áo chùng xuống.
Nguyễn Hạnh dịch
Còn tiếp