Tôi còn nhớ câu chuyện của ông bạn tôi ở những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Tốt nghiệp ra trường cầm tấm bằng đỏ chót về quê xin việc, chờ dài cổ cũng chẳng có nơi nào nhận vì nơi nào cũng đủ người.
Quay lại thành phố, nộp đơn khắp nơi, thời đó ít doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu doanh nghiệp nhà nước. Chạy vạy quan hệ các kiểu, cuối cùng cũng kiếm được một chân làm kế toán.
Khổ một nỗi, không có hộ khẩu thành phố nên chỉ ký được hợp đồng lao động công nhật, làm ngày nào ăn ngày đó, không BHXH, không BHYT. Cùng làm một công việc như anh người có hộ khẩu lương cao, nhiều chế độ, còn anh chỉ đủ đắp đổi qua ngày chờ cơ hội.
Rất may, một hai năm sau, chính sách thông thoáng hơn và nhiều doanh nghiệp tư nhân ra đời, nên anh kiếm được việc làm phù hợp và "sống khoẻ".
Một câu chuyện khác, hơn mười lăm năm trước, Quảng Nam ngoài Hội An tiếng tăm về du lịch, còn lại chẳng có gì, kể cả thị xã Tam Kỳ. Ấy thế mà sau khi tách tỉnh, sẵn có lợi thế cảng Kỳ Hà, Quảng Nam xin chính phủ thành lập khu kinh tế mở Chu Lai với nhiều ưu đãi. Đích thân lãnh đạo tỉnh vào tận Sài Gòn kêu gọi nhà đầu tư. Kết quả, một nhà máy lắp ráp ôtô sử dụng hơn 3.000 lao động cho khu vực huyện Núi Thành, Tam Kỳ (số liệu 2007, bây giờ gấp nhiều lần).
>> Kẹt xe sau các kỳ nghỉ và sự đổ lỗi cho dân nhập cư
Chưa hết, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc cũng được khuyến khích với nhiều ưu đãi khi đặt nhà máy ở những vùng khó khăn như Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình... ngõ hầu giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Không biết có phải vì điều này hay không mà sau này, có dịp tiếp xúc với các doanh nghiệp may mặc trong miền nam, ít thấy có công nhân người Quảng Nam, còn công nhân lắp ráp xe hơi thì tất nhiên rồi, ở Núi Thành "vui hơn"
Thế nhưng có một số ý kiến cho rằng để giảm áp lực dân số cho TP HCM, Hà Nội cần hạn chế người nhập cư vào các thành phố lớn này. Nhà nước cần phải sử dụng công cụ thuế nhà, đất để làm rào cản. Thực sự hiệu quả của công cụ này như thế nào thì chưa biết, nhưng đã tạo nên làn sóng phản đối hết sức gay gắt trong cộng đồng mạng xã hội bởi nhiều lý do
Lý do đầu tiên ai cũng dễ thấy, mục đích hạn chế dân nhập cư không phù hợp. Tại điều 23 của Hiến pháp có ghi: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước...", có nghĩa, nơi nào "đất lành chim đậu", có nhiều việc làm, có cuộc sống sung túc hơn thì hẳn nhiên có nhiều người khắp nơi kéo về sinh sống. Nếu cưỡng lại quy luật này, chắc chắn sẽ phát sinh ra nhiều hệ luỵ không lường
Nếu chỉ nói nó không hợp hiến không thôi thì chưa đủ, muốn cho dân ở các địa phương không đổ xô vào sống ở các thành phố này, cần thiết phải cải thiện điều kiện sống ở những nơi đó, đặc biệt là việc làm.
Nếu để ý, dân nhập cư có hai trường hợp: có người có đến thành phố làm việc rồi mua nhà cửa để sinh sống lâu dài, nhưng có người chỉ đến để làm việc. Thành phần này thì nhiều, chẳng hạn như công nhân trong các nhà máy và đối với họ, giấc mơ mua được miếng đất, hay mua được cái nhà trong thành phố là xa vời vợi, chưa nói là không tưởng.
>> Giá nhà TP HCM leo thang không phải lỗi của người nhập cư
Vì vậy, để giảm áp lực dân số trong các thành phố lớn, các địa phương khác phải thu hút các nhà đầu tư mở các nhà máy, xí nghiệp sử dụng nhiều lao động tại địa phương của mình. Muốn được như vậy, ngoài những ưu thế của mỗi địa phương như cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý, điều kiện thời tiết...phải triệt để phát huy, cũng cần có những lãnh đạo có tâm, có tầm.
Đây không phải là những điều nói suông từ lý thuyết mà xuất phát từ thực tiễn ở địa phương tôi đã từng trải nghiệm.
Một vấn đề nữa là vai trò của dân nhập cư, một số công việc cần thiết cho cuộc sống, người thành phố không làm, họ làm. Nhất là trong các nhà máy sử dụng nhiều lao động, người thành phố làm gì đáp ứng đủ. Giả sử bây giờ, công cụ thuế nhà, đất hạn chế hữu hiệu dân nhập cư, chắc chắn các nhà máy thiếu lao động trầm trọng, trong khi việc di dời các nhà máy đâu thể nói làm được vì nó còn tuỳ thuộc vào nguồn nguyên liệu, cơ sở hạ tầng như đường xá, hải cảng, chuỗi cung ứng....
Có tiếp xúc với với các công ty sử dụng hàng chục ngàn lao động, mới thấy họ quan tâm đến công nhân của họ như thế nào, chẳng hạn như lao động người Chăm trong một công ty nọ tôi xin phép không nêu tên, đến mùa Katê, họ cho người lao động nghỉ và cử nguyên một đoàn ra chung vui. Họ làm vậy để làm gì? Ngoài việc đó trách nhiệm của họ, mà thông qua đó, họ giữ chân người lao động
Nói tóm lại, mục tiêu hạn chế dân nhập cư vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM là không hợp hiến và thiếu tính nhân văn, còn công cụ để thực hiện nó chẳng có tác dụng gì.
Cái chính là giải pháp cho bài toán kinh tế từng địa phương, làm sao cho người lao động tại chỗ có việc làm, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chứ phận làm người xa xứ, có bao giờ vui.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.