Tin Nguyen là phóng viên ảnh của The Times từ tháng 2/2000. Nhân 30 năm Sài Gòn giải phóng, trên báo này, Nguyen kể lại những gì được chứng kiến và gia đình mình vào thời điểm bước ngoặt lịch sử này khi anh mới lên 14 tuổi.
Ngày 29/4/1975, từ sân trước nhà riêng ở ngoại ô Sài Gòn, tôi thấy các máy bay chiến đấu Mỹ từ thời Chiến tranh Triều Tiên nhào xuống thả bom theo hướng vùng ngoại vi thành phố không xa quận chúng tôi.
Đó là một cảnh tượng khó quên với tôi, khi đó mới là cậu bé 14 tuổi. Vụ ném bom ở gần tới mức tôi có thể phân biệt dấu hiệu các máy bay. Tiếng nổ trên bầu trời không thể lấn át tiếng súng nổ dưới mặt đất.
Trước đó gần 3 năm, vào mùa xuân năm 1972, chiến dịch lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kéo vùng chiến sự đến gần chúng tôi hơn. Tiếng dội của những vụ đánh bom B-52 rải thảm nhằm vào các căn cứ của quân giải phóng cách nơi chúng tôi ở 20-30 km khiến trần phòng khách rung chuyển thường xuyên đến mức, người cha mất ngủ của tôi lo sợ mảng trần có thể rơi trúng bàn thờ gia tiên.
Ngày 30/4/1975, cha tôi không quan tâm đến sức tàn phá của chiến tranh, mà mải lo lắng về chuyện gia đình có thể bị ly tán. Ông lo vì anh tôi ở trong danh sách di tản của Mỹ từ hôm trước.
Là một quan chức đang lên trong Bộ Thông tin trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hoà, anh tôi làm việc nhiều với các hãng thông tấn nước ngoài. Lấy lý do phải chăm sóc gia đình, anh từ chối chuyến di tản. Tuy nhiên, sau đó, anh thay đổi quyết định. Anh trai tôi ở trong số hàng nghìn người tập trung bên ngoài sứ quán Mỹ ngày 30/4. Nhưng chiếc xe buýt dự kiến sẽ đưa anh đi không bao giờ đến.
Bước tiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua vùng tôi ở khá trật tự. Tôi nhìn thấy súng AK-47 của một số chiến sĩ dính bùn. Tôi băn khoăn tự hỏi sao họ có thể chiến đấu tốt đến vậy. Không một tượng đài nào bị kéo xuống.
Nguyễn Hạnh lược dịch