Báo độc lập của Ai Cập, tờ Al-Karama, đăng hình Saddam Hussein trên tòan bộ trang nhất số ra hôm qua, với nền hình là quốc kỳ Iraq, đồng thời tuyên bố ông là một người Ảrập tử vì đạo.
"Ông ấy sống là anh hùng, và chết như một người đàn ông", một tờ báo đối lập của Ai Cập, tờ Al-Osboa, viết trên tiêu đề một bài báo kèm với ảnh của Saddam Hussein đứng trên giá treo cổ.
Sự ca ngợi này khiến chính quyền Iraq bực bội. Còn Kuwait, quốc gia từng bị Saddam Hussein xâm chiếm những năm 1990 thì ra tuyên bố lên án các nước đang ca ngợi Saddam Hussein, dọa cắt viện trợ tài chính và quan hệ ngoại giao với những nước đó.
Phản ứng của thế giới Ảrập sau vụ treo cổ hôm 30/12 trái ngược hẳn với những gì diễn ra sau khi Saddam Hussein bị lính Mỹ bắt cách đây 3 năm. Khi đó, cựu tổng thống bị hạ nhục, bị công bố ảnh với một gương mặt hốc hác đầy râu ria, bị lính Mỹ lôi ra khỏi căn hầm. Những tấm ảnh đó đã châm ngòi hàng loạt cuộc tranh cãi trên khắp khu vực, rằng ông ta khi tại vị thì độc tài ra sao, còn khi bị rơi vào tay lính Mỹ thì lại yếu ớt ra sao. Trong những năm sau đó, hình ảnh của Saddam Hussein nhạt dần và tin tức về phiên tòa xử cựu tổng thống cũng ngày càng thưa thớt trên báo chí Ảrập.
Nhưng những cảnh tượng trên giá treo cổ đã đưa Saddam Hussein trở lại vị trí của anh hùng. Trong đoạn băng quay trộm bằng điện thoại di động trong phòng xử tử, sau khi những người Shite chửi rủa và nhục mạ cựu tổng thống, ông này hỏi lại họ một cách châm biếm: "Thế là can đảm lắm ư?".
Đoạn băng khiến nhiều người tức giận, một số còn cho rằng sự sỉ nhục đó được Mỹ hậu thuẫn và nhằm vào cả thế giới Ảrập. Các quan chức Mỹ cho hay họ đã cốgắng yêu cầu chính quyền Iraq trì hoãn việc treo cổ và chỉ trích cách thức của cuộc hành hình, nhưng chính lực lượng Mỹ đã trao Saddam Hussein cho chính quyền Iraq để thực thi án tử hình.
Tuần báo theo chủ nghĩa dân tộc của Ai Cập, tờ Al-Arabi, đăng một biếm họa sánh Saddam Hussein với Omar al-Mokhtar, lãnh tụ phong trào kháng chiến chống sự chiếm đóng của quân đội Italy đối với Libya, bị xử tử năm 1931. Trong bài báo, những người Ảrập chỉ trích Saddam Hussein nói rằng việc hành quyết khiến cho những tội ác mà chính quyền Saddam Hussein đã gây ra ở Iraq bị lu mờ.
"Năm phút trên giá treo cổ đã làm nên một điều thần kỳ", bình luận viên Abdel-Halim Qandil viết trên tờ Al-Karama. "Câu chuyện về một Saddam Hussein độc tài tàn bạo đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh của một Saddam Hussein sánh vai với Omar al-Mokhtar".
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, đồng minh của Mỹ, cũng thừa nhận rằng vụ hành quyết khiến sự ủng hộ của người Ảrập dành cho Saddam Hussein và những di sản của ông này tăng lên.
"Thật xấu xa và đau đớn", Mubarak nói về vụ treo cổ, trong cuộc phỏng vấn của nhật báo Israel Yediot Ahronot. "Họ đã biến ông ấy thành một người tử vì đạo, trong khi bao nhiêu vấn đề của Iraq vẫn chưa được giải quyết".
Vụ hành quyết Saddam Hussein có thể làm gia tăng sự ủng hộ của người Ảrập Sunni đối với cuộc kháng cự của người Sunni Iraq chống liên quân và chính quyền do người Shiite nắm giữ. Điều đó khiến nỗ lực của Mỹ trong việc hô hào thế giới Ảrập ủng hộ người Iraq, cũng như hòa giải sắc tộc ở Iraq càng thêm khó khăn.
Hôm thứ sáu tuần trước, hàng trăm người Ai Cập đã biểu tình sau khi cầu nguyện, hô to những khẩu hiệu chống Mỹ và chính quyền các nước Ảrập, ủng hộ cuộc kháng cự của những người Iraq.
Tại Jordan, nhà bình luận thời sự Ibrahim Jaber Ibrahim chỉ trích Thủ tướng Iraq, mô tả ông này là "hoàng đế Al-Maliki, chân đứng trên tấm thảm quý của Ba Tư", một cách ám chỉ mối quan hệ thân thiết giữa người Shiite và Iran.
Ông Talal Salman, chủ nhật báo Libăng As-safir, cảnh báo rằng "sự mù mờ về chính trị và tầm nhìn hạn hẹp" của chính quyền Iraq "đang tạo ra sự chia rẽ không chỉ ở Iraq mà cả những miền đất quanh nó, và cả thế giới Ảrập".
Tuy nhiên, vẫn có những người nhấn mạnh rằng các tội lỗi của Saddam Hussein không thể bị bỏ qua.
"Người ta không thể không ngạc nhiên trước sự thương tiếc đáng chê của người Ảrập (dành cho Saddam Hussein)... trước việc đánh bóng và coi ông ta là anh hùng tử vì đạo", nhà báo người Palestine Khaled al-Horoub viết trên nhật báo Al-Itihad của UAE.
Trên tờ Oman Times, một nhà bình luận viết rằng ông đã "cố gắng" để tìm niềm thông cảm với Saddam Hussein khi xem cảnh ông này bị treo cổ. "Nhưng tôi không thể tìm thấy dù chỉ một điều đáng để ca ngợi về Saddam Hussein", nhà báo viết.
"Tuy nhiên, việc ông ta bị tử hình dưới con mắt giám sát của người Mỹ, trong lúc Iraq đang bị chiếm đóng, đã biến ông ta thành anh hùng dân tộc trong cách nhìn của nhiều người Ảrập".
Mai Trang (theo AP)