"Thằng bé con mặc áo số 7 hôm nay ăn quả xa (sút xa) tên gì anh nhỉ?", tôi đã hỏi HLV Nguyễn Đức Thắng câu hỏi ấy trong một đêm tháng 7 năm 2013 vắng người ở lề đường Lý Tự Trọng, quận nhất. "Quang Hải. Oách đấy! Anh nói với cậu, nó là tương lai đấy", anh Thắng đã trả lời tôi như thế. Và không ngờ cái "tương lai" kia lại đến nhanh thế. Năm năm sau, thằng bé con đã lớn, nó đã ở trên đỉnh của bóng đá Việt Nam đương đại. Tất cả những ai tôi thường gặp để trò chuyện về bóng đá, từ chuyên gia cho tới người hâm mộ thông thường, đều nói về nó như là một "dị nhân" thực sự.
Khi Hải vặn sườn ở không gian rất hẹp để tạt đường bóng vào cho Đức Eto’o (biệt danh của cầu thủ Nguyễn Anh Đức) bắt volley ghi bàn quyết định trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 trước Malaysia, đã không ít người cảm thấy thán phục vì độ dẻo và độ chính xác của đường tạt bóng ấy. Tất cả các trung phong đều khát khao nhận được một cú tạt như thế, tinh tế, không thể đoán trước đối với đối phương và dễ dàng mở ra cơ hội ăn bàn cho trung phong trong vòng cấm. Cái dị của cú tạt ấy nó nằm ở chỗ Hải không cần đưa mắt nhìn về phía Đức và đối thủ cứ nghĩ nó sẽ làm một động tác nào khác chứ không ai ngờ đó sẽ là một cú tạt kín chân cực khó. Không mấy ai có thể làm được điều đó. Đấy là một cú tạt ở đẳng cấp khác hoàn toàn, một cú tạt mà ngay cả các tuyển trạch viên ở châu Âu cũng sẽ phải giơ ngón tay "thumb up" (dấu ra hiệu đồng ý, tán thành, khen ngợi).
Bóng đá hiện đại nhiều năm qua đã chứng kiến sự tiến hoá của chiến thuật và một trong những điểm tiến hoá nhất chính là việc linh hoạt di chuyển để tạo ưu thế về quân số ở vùng tranh chấp bóng. Đội đang cầm bóng cũng cần linh hoạt tăng quân số để tạo ưu thế tấn công. Đội cần đoạt bóng lại cũng cần linh hoạt tăng quân số để tạo áp lực nhằm đoạt lại bóng. Đó là một cuộc chiến khốc liệt thực sự. Và ở bối cảnh đội bóng nào cũng muốn tạo ưu thế về quân số như vậy, các HLV sẽ cần phải làm gì để chiến thắng? Rất nhiều HLV danh tiếng đã cùng chung quan điểm về giải pháp: cải thiện con người, nâng tầm chất lượng cầu thủ để có thể có được những cá nhân đủ sức "ít chống lại đông" đúng nghĩa "quý hồ tinh" chứ không phải "quý hồ đa". Và trong quan điểm đó, Quang Hải là mẫu cầu thủ mà bất kỳ một HLV nào cũng mong có được. Cú tạt của Hải ở trận chung kết chính là minh chứng cho phẩm chất một cầu thủ có khả năng thắng được 3-4 đối thủ vây quanh mình. Nếu ta nhìn lại cái cách mà hàng thủ Malaysia bủa vây và phong tỏa Quang Hải, chúng ta sẽ thấy chỉ còn đúng một cái khe rất hẹp cho quỹ đạo bay của quả bóng, cái khe mà hậu vệ sẽ không thể rướn tới để chặn đường bóng lại. Và để quả bóng bay đúng cái khe hiếm có kia, người cầu thủ phải có một trí tưởng tượng cực xuất sắc cùng một kỹ thuật cá nhân điêu luyện đủ để đường bóng từ trí tưởng tượng trở thành sự thực.
Nhưng tôi lại không ấn tượng quá nhiều với pha tạt bóng đó của Quang Hải bằng một pha bóng khác, ở trận gặp Phillippines, lượt về. Một đường mở bóng từ sân nhà lên, bóng dài và Hải thoáng ngoái lại nhìn đối phương phía sau mình trong một tích tắc. Cậu nhận biết ngay đối thủ sẽ ập vào như thế nào và cả cái khối cơ thể đồ sộ kia mà va vào Hải, chắc chắn Hải sẽ là người bị đau, bị thiệt thòi. Và Hải quyết định rất nhanh. Cậu nhứ lên như chuẩn bị bật cao tranh chấp song thực tế, cậu lùi lại một bước, cái lùi đủ để biến mình thành điểm cài khiến đối thủ mới là người thiệt thòi. Tất nhiên, đó là một pha phạm lỗi nhưng nó cũng là cái lỗi thông thường của bóng đá chứ không phải lỗi ác ý. Lỗi ấy xuất phát từ ý thức phải bảo vệ chính mình, khi mình ở vào thế thiệt hơn rất nhiều so với đối phương. Và chỉ một động tác ấy thôi đã đủ bật lên cái độ quái của Quang Hải, độ quái mà không ai nghĩ rằng một cầu thủ dưới 23 tuổi có thể có được.
Trên sân bóng, Quang Hải luôn quái như thế. Động tác xử lý của Hải không rườm rà, rất gọn gàng và mỗi lần đưa ra một động tác xử lý bóng, ý tưởng gắn trong đó rất nhiều. Đó là hình mẫu của bóng đá hiện đại, thứ bóng đá đòi hỏi tiết kiệm động tác rất nhiều để duy trì nhịp độ của đội bóng cũng như để tiết kiệm sức cho chính mình. Đặc biệt nhất ở Hải chính là kỹ năng tiếp bóng bước một và những đường chuyền một chạm nhạy bén. Dường như Hải không cần hướng mắt tới nơi mà cậu muốn chuyền bóng. Hải sử dụng cảm quan không gian của mình để cảm giác đường di chuyển của đồng đội nhiều hơn. Bởi thế, mỗi khi cậu ra quyết định chuyền bóng là mỗi khi đối thủ luôn bất ngờ. Người ta thường hay đoán ý nhau trên sân bóng qua ánh nhìn. Vậy thì khi Quang Hải giấu hẳn ánh nhìn của mình, ai mà đoán nổi Hải sẽ đưa quả bóng về phía nào, cho ai?
Nhưng để cái việc giấu ánh nhìn mà đưa bóng kia hoàn thiện thành những đường chuyền sát thủ thì lại còn phải đòi hỏi thêm một yếu tố nữa. Ấy là cái cổ chân dẻo và tinh quái của Hải. Rất nhiều đồng đội đàn anh từng nói "Hải giấu cổ chân hay lắm, nó ra chân chả ai đoán được đường bóng của nó đâu". Và nhìn hai cái cổ chân của cầu thủ bé nhỏ ấy, tôi liên tưởng đến một vũ công ballet nhiều hơn. Nó nhịp nhàng, nó khoan thai, nó dìu dặt đấy nhưng lại thoăn thoắt đấy. Vẩy má, sục bóng, ta lông... Hải là phù thủy của tất cả các ngón nghề nhưng cái phù thủy nhất của Hải chính là cậu không bao giờ phô diễn kỹ thuật mà thay vào đó, tỉnh đến lạnh người, áp dụng đúng lúc, đúng chỗ và đúng khi cần nhất mà thôi. Nhiều người nhìn cậu đá, cứ nghĩ đến chuyện ngày nào Công Phượng được so sánh là Messi Việt Nam và bắt đầu băn khoăn "Hải hay Phượng mới thực là Messi Việt Nam?". Thực tế thì Hải là Hải, Phượng là Phượng và Messi thì ở một đẳng cấp khác, mọi so sánh đều là khập khiễng. Nhưng nhìn Hải đá, tôi vẫn cứ hình dung ra Hazard, với thân hình nhỏ bé nhưng lại đậm chắc và bởi thế, Hải vững vàng trên sân bất chấp đối thủ của mình có thể là những chàng khổng lồ.
Và trong cái nhỏ bé kia của Hải lại hàm chứa một thể lực sung mãn đến vô cùng. Hải là người cày ải nhiều nhất trong số các cầu thủ đội tuyển Việt Nam ở năm 2018 này. Năng lượng của Hải đến từ đâu mà cậu có thể mạnh mẽ, nhanh nhẹn và bền bỉ đến thế nhỉ? Có thể do rèn luyện, do tích lũy, do sinh hoạt điều độ nhưng dứt khoát phải do sự thông minh khi chơi bóng. Chỉ có cầu thủ chơi bóng bằng bộ não mới có thể biết điều phối sức mình khoa học nhất nhằm tránh chuyện hụt hơi trên sân. Tuyệt đối, chưa bao giờ tôi chứng kiến Hải hụt hơi trên sân, cả trong màu áo đội tuyển quốc gia lẫn trong màu áo CLB Hà Nội.
Tôi chỉ gặp Hải đúng một lần duy nhất ngoài đời kể từ bấy đến nay. Đó là sau gala mừng công U-23 từ Thường Châu về ở sân Thống Nhất, Hải rủ tôi đi ăn cùng Văn Hậu, Đức Chinh và vài người bạn. Tôi uống bia một mình, còn các cậu thì dùng nước ép trái cây. Tôi không biết Hải có dùng đồ uống có cồn hay không nhưng chưa bao giờ tôi thấy cậu cầm ly bia nào cả, trừ phi... đóng phim quảng cáo. Đồng đội của Hải nói riêng với tôi rằng họ nể nhất Hải ở cái tính nghiêm túc và chỉn chu. Ngay cả trên sân tập, Hải cũng nhanh nhẹn, quyết đoán như trên sân thi đấu. Đó là cái ý thức chuyên nghiệp mà nhiều người đã bỏ quên, nhất là khi người ta chớm bén hơi một chút vào danh tiếng. Và tôi tin, Hải vẫn giữ được phẩm chất đó lâu dài bởi thế hệ của cậu suy nghĩ rất khác về nghề, với sự đề cao tính chuyên nghiệp thực thụ.
Tôi may mắn được nhìn thấy nhiều cầu thủ trẻ trưởng thành, từ vô danh cho tới có danh tiếng, đặc biệt là các cầu thủ ở Hà Nội. Xưa tôi ngồi mòn ghế khán đài sân Cột Cờ mỗi buổi chiều chỉ để xem các lớp năng khiếu từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp tập luyện. Ở đó tôi đã thấy Thạch Bảo Khanh, Vũ Dũng, Thanh Phương, Quốc Trung, Vũ Như Thành... từ khi còn là những nhóc tì cho tới khi khoác tấm áo của đội 1 rồi đội tuyển quốc gia. Lò Thể Công (sau này là Viettel) xưa nay vẫn lẫy lừng miền Bắc. Ấy vậy mà Quang Hải lại khiến cả một lớp cùng trang lứa của lò Viettel phải kính nể từ khi mới 14, 15 tuổi. Trên những sân bóng "phủi" của Hà Nội cách đây chỉ năm bảy năm thôi, Hải đã khiến bao nhiêu người phải trầm trồ. Có anh bạn đồng nghiệp của tôi, mê Hải quá, còn tâng bốc rằng, "Ôi, mình Hải nó ‘cân’ tất anh nhé!".
Tôi cũng có hỏi một cựu cầu thủ tài hoa của bóng đá Hà Nội, người vô cùng thân thiết với Hải, người đã theo sát Hải từ nhỏ (Hải là học trò và con nuôi của em ruột cựu danh thủ này) về Quang Hải. Nhưng anh từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Anh chỉ nói đại ý cứ để cuộc đời nhận xét về Hải cho khách quan, còn anh sẽ không nói gì hết, không tham gia gì hết. Anh không muốn làm xao động thêm để Hải được bình thản mà chơi bóng đúng với niềm vui của mình. Hải gọi anh bằng bác, nhưng trong lòng, Hải cũng coi anh như một người cha. Nhiều khi tôi nghĩ, có khi nào tài hoa tương hỗ tài hoa và Hải cũng học được rất nhiều từ người bác ấy, với chất chơi bóng đúng kiểu Hà Nội điển hình?
Khi Hải ghi bàn, cách ăn mừng của Hải khá đa dạng nhưng sau nét mặt quyết đoán vẫn luôn là một nụ cười rạng rỡ, nụ cười nguyên vẹn như nụ cười tôi thấy trên sân Thống Nhất hồi giải U-17 quốc gia năm 2013. Và tôi vẫn để ý vào đôi mắt. Khi chơi bóng, đôi mắt ấy giấu ánh nhìn. Còn khi ăn mừng, ánh nhìn lại luôn hướng lên cao. Tôi nghĩ, chắc Hải hướng về phía người bố nuôi của mình, người thầy đầu tiên trong đời đã lặn lội đến gặp bố mẹ Hải để thuyết phục họ cho Hải theo nghiệp cầu trường. Và ánh nhìn ấy ẩn chứa điều gì? Tôi đoán có lẽ là một lời thầm thì thân thương hết đỗi.
Đôi cổ chân ballet nhỏ bé ơi, cứ tiếp tục vui với trái bóng tròn và tiếp tục bay dưới bầu trời lồng lộng này nhé. Tuổi em còn trẻ, điều đó có nghĩa rằng em sẽ còn đi được rất xa, chở những ước mơ không chỉ của em đến với những bến bờ chinh phục. Hãy nhớ tới niềm cảm hứng mà em và đồng đội tạo ra. Không phải ai trên đời này cũng có thể khiến người khác đổi avatar trên mạng xã hội vì mình được đâu Hải ạ. Và với bóng đá Việt Nam hôm nay, em đang là một mặt trời thực sự, để các đồng đội có niềm tin và cảm hứng chơi bóng bên cạnh mình, như những hành tinh xoay quanh mặt trời ấy. Đơn giản, tên em là biển, và mặt trời thì vẫn luôn mọc lên từ phía biển.
Hà Quang Minh
Phần một: Lâm Tây từ kẻ bị chối bỏ tới người hùng
Phần hai: Công Phượng giữa lằn ranh người hùng và gã hề
Phần ba: Quế Ngọc Hải từ 'chiến binh khóc nhè' thành thủ lĩnh
Hết trích đăng.
Sách Việt Nam vô địch phát hành tháng 1, nhằm tri ân toàn thể đội tuyển Việt Nam tham dự giải AFF Cup 2018. Sách tập hợp hơn 30 bài viết của nhiều ngòi bút thể thao có tiếng, những tác giả yêu trái bóng tròn cùng hơn 300 bức ảnh ghi lại chân dung, khoảnh khắc ấn tượng của từng cầu thủ qua các trận đấu.
VnExpress trích đăng ấn phẩm. Tên các phần trích đăng do tòa soạn đặt.