Ban giám khảo năm nay tiếp tục không chọn được tác phẩm đoạt giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn. Cơ Bản là Cơ Bản đoạt giải Khát vọng (tương đương giải nhì). Nhà thơ Trần Đăng Khoa - trưởng ban giám khảo - đánh giá tác phẩm mang tinh thần hiện đại, tươi mới.
Phạm Huy Thông cho biết anh bất ngờ vì không gửi sách dự thi, được ban tổ chức tự lựa chọn đưa vào vòng bỏ phiếu kín. "Tôi đón nhận niềm vui nhân đôi vì tuần trước, Nhà xuất bản Kim Đồng thông báo sách đã bán hết, chuẩn bị in thêm. Sau tác phẩm, tôi nhận được nhiều lời khích lệ từ các nhà văn đi trước. Tôi thấy mình may mắn vì được chứng kiến, trải nghiệm nhiều câu chuyện hay, từ đó có chất liệu để viết nên cuốn sách", Phạm Huy Thông nói.
Tập truyện được viết trong một tuần, khi tác giả phải cách ly vì Covid-19. Nhân vật chính tên Cơ Bản, cậu bé lớn lên ở thành phố, gặp nhiều rắc rối khi học online, không được đi ra ngoài thời dịch. Ở phần sau tác phẩm, Cơ Bản về quê, một vùng văn hóa Mường. Cậu có thêm nhiều trải nghiệm sống, quen thêm những người bạn mới.
Tác giả gửi gắm triết lý để trẻ em được là chính mình. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: "Tác giả đã truyền đạt một thông điệp nhân văn xuyên suốt tác phẩm: Càng bị đại dịch ngăn cách, những đứa trẻ càng nhận ra chúng gần nhau hơn, gắn bó và sẻ chia với nhau nhiều hơn. Mỗi chương truyện đề cao những hành động tử tế, phù hợp với thời đại đầy biến động".
Phạm Huy Thông hiện là nhà báo, từng đoạt giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 1993 do Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, UNICEF tại Hà Nội cùng Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Trước Cơ Bản là Cơ Bản, anh in tập thơ Hoa chuối rừng. Phạm Huy Thông đang ấp ủ viết một cuốn sách về những đứa trẻ "ngậm thìa vàng", bên ngoài nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ nhưng ngấm ngầm phản kháng.
Giải Khát vọng còn được trao cho bốn tác phẩm, gồm: hai tập truyện dài Biệt đội thám tử và Emma thảm họa của Quyên Gavoye (Nhà xuất bản Kim Đồng), bản thảo truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng, sách tranh Chiếc dép thất lạc của tác giả Geralda De Vos và Sofia Holt Thụy Điển (Kim Ngọc dịch, Nhà xuất bản Kim Đồng).
Trong số đó, An Băng mới chín tuổi, là học sinh Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội). Tác giả nhí không lồng ghép thông điệp lớn lao, chỉ miêu tả những sự vật, sự việc xung quanh qua bốn câu chuyện đồng thoại.
Giải Dế Mèn do báo Thể thao Văn hóa tổ chức lần đầu năm 2020, nhằm khích lệ các sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi. Tác phẩm tham dự có thể thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật, giải trí như: Văn học, điện ảnh, âm nhạc mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh... Năm đầu tiên, truyện dài Làm bạn với bầu trời (Nguyễn Nhật Ánh) và Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều) cùng nhận giải thưởng cao nhất. Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ chối vì nằm trong ban giám khảo. Năm ngoái, tiểu thuyết Đi trốn của Bình Ca được vinh danh.
Giải thưởng năm nay thu hút 89 bài dự thi, trong đó có 60 bản thảo, 29 tác phẩm đã xuất bản. Hội đồng giám khảo gồm nhà thơ Trần Đăng Khoa, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giá. Ngoài vinh danh các tác phẩm, ban tổ chức đấu giá một số hiện vật nghệ thuật, gây quỹ ủng hộ trẻ em vùng cao.
Hà Thu